Văn hóa là động lực cho sự phát triển

Di sản văn hóa phi vật thể được hiểu là những giá trị văn hóa gắn liền với con người, môi trường sống của họ mà ở đó, trí tuệ, kinh nghiệm của cộng đồng được đúc kết thành những giá trị lâu đời và được tiếp nối liên tục. Khi xã hội ngày càng phát triển, con người đặt nặng vấn đề vật chất, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đứng trước nguy cơ mai một. Do đó, việc bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể đang được các cấp, ngành của tỉnh Bình Phước đặc biệt quan tâm.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân M’nông dệt thổ cẩm.
Nghệ nhân M’nông dệt thổ cẩm.

Nằm trong vùng phát triển kinh tế năng động Ðông Nam Bộ, có vị trí tiếp giáp giữa đồng bằng và cao nguyên, Bình Phước có điều kiện thuận lợi giao thoa, tiếp biến văn hóa giữa các vùng miền, quốc gia. Ðặc biệt, Bình Phước còn là nơi hội tụ của cộng đồng 41 dân tộc anh em, tạo nên một diện mạo văn hóa rất phong phú, đa dạng trong thống nhất.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước, trên địa bàn tỉnh có 45 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng; trong đó, có năm di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia, 28 di tích cấp tỉnh. Trong sáu di sản văn hóa đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thì có đến bốn di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã phục dựng được tám lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số; mở các lớp truyền dạy và thực hành như: mô hình đan lát truyền thống của người Khmer, kỹ thuật chế biến rượu cần và dệt thổ cẩm của đồng bào X’tiêng.

Ðồng bào dân tộc M’nông ở Bình Phước có hơn 10.000 người, chiếm 1,1% số dân toàn tỉnh, phân bố chủ yếu ở huyện Bù Ðăng và huyện Bù Gia Mập. Với kinh nghiệm tích lũy từ bao đời, người M’nông đã tạo nên các nghề truyền thống riêng của dân tộc mình, trong đó có dệt thổ cẩm. Theo các nghệ nhân, nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm của người M’nông được tích lũy và phát triển qua nhiều thế hệ, thể hiện kỹ thuật qua đôi tay khéo léo, sáng tạo của người phụ nữ để phục vụ nhu cầu cuộc sống.

Nghề dệt thổ cẩm của người M’nông không chỉ mang nhiều ý nghĩa văn hóa đặc sắc mà còn là văn hóa ứng xử của cư dân với cộng đồng, thể hiện mối quan hệ gắn kết cộng đồng. Chính vì thế, cuối tháng 5 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm của người M’nông xã Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập) và các xã Ðồng Nai, Thọ Sơn, Phú Sơn, Ðắk Nhau (huyện Bù Ðăng).

Nguyễn Khắc Vĩnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Phước

Ðiều này thể hiện nỗ lực của các cấp chính quyền, ngành văn hóa, thể thao và du lịch, nhất là các nghệ nhân trong duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị nghề dệt thổ cẩm. “Ngoài các chính sách khuyến khích, ưu đãi với nghệ nhân, người có tay nghề giỏi lưu giữ các nghề truyền thống của các dân tộc, tỉnh Bình Phước cũng đang nghiên cứu, xây dựng các buôn, sóc thành điểm du lịch cộng đồng; thành lập các hợp tác xã dệt thổ cẩm, nấu rượu cần… để quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới đông đảo khách du lịch.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng xây dựng các đề án đầu tư, cải tiến sản phẩm thủ công truyền thống mang tính hiện đại hơn; cải tiến kỹ thuật dệt nhằm rút ngắn thời gian, phục hồi chất liệu truyền thống, giảm công sức lao động và giảm giá thành sản phẩm”, ông Vĩnh cho biết thêm.

Chủ trương chung của Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ 11 luôn coi trọng văn hóa và văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Nhờ đó, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã được vinh danh, bảo tồn và phát huy giá trị. Nhiều di tích lịch sử-văn hóa được xếp hạng, tu bổ, tôn tạo; các phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào dân tộc X’tiêng, M’nông, Khmer được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác sưu tầm, lưu giữ và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống như lễ hội, các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống... vẫn chưa được quan tâm đúng mức: một số di tích lịch sử, văn hóa bị xuống cấp; việc nghiên cứu, đầu tư, khai thác và phát huy các di sản văn hóa, phong tục, tập quán, các ngành nghề truyền thống, hoạt động văn hóa dân gian chưa được quan tâm tương xứng. Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, giai đoạn 2010-2022, tỷ lệ ngân sách nhà nước đầu tư cho lĩnh vực văn hóa hằng năm chỉ đạt hơn 1% trong tổng chi ngân sách địa phương.

Qua hơn 25 năm tái lập, tỉnh Bình Phước đã không ngừng đổi thay và phát triển trên các lĩnh vực; trong đó, văn hóa có một sự phát triển vượt bậc và kết tinh thành những giá trị to lớn. Ðể văn hóa ngày càng phát triển và tạo động lực cho kinh tế-xã hội phát triển, tỉnh Bình Phước đang tập trung tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện các quan điểm, đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước

Ðồng thời, rút ra các bài học kinh nghiệm; nhận diện thời cơ, thách thức, từ đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá, tạo chuyển biến mới trong việc xây dựng văn hóa, con người Bình Phước trong thời kỳ mới, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của nhân dân trong tỉnh. Trong giai đoạn mới, Bình Phước chú trọng việc đầu tư cho sự phát triển văn hóa ngang bằng đầu tư phát triển kinh tế.