Tháng 11/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận khóa 13 ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, chú trọng nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hướng đến sản xuất sản phẩm sạch
Với mục tiêu phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; qua đó đã thúc đẩy đầu tư mạnh trong sản xuất nông nghiệp gắn với các sản phẩm mang tính đặc thù, tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Các ngành, các cấp đã tập trung nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các mô hình nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất và đạt hiệu quả. Nhờ đó, tạo sức lan tỏa sâu rộng.
Thăm Trang trại Sun and Wind của Công ty cổ phần Nắng và Gió tại thôn Phú Thuận, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, một trong những doanh nghiệp tiên phong đầu tư lắp đặt hệ thống bơm nước tưới tiết kiệm để cải tạo gần 70 ha đất cằn cỗi thành vùng sản xuất tập trung các loại cây trồng như: Nha đam, dưa lưới, nho, táo, ổi… đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Hoàng Xuân Hậu, Giám đốc công ty chia sẻ: “Nhờ ứng dụng công nghệ nhà màng gắn với hệ thống tưới tiết kiệm nước và tổ chức sản xuất theo quy trình GlobalGAP, năng suất cây trồng cho thu hoạch ổn định. Đến nay, sản phẩm đã xuất khẩu và được người tiêu dùng đánh giá cao, công ty giải quyết việc làm với thu nhập ổn định cho 200 lao động tại địa phương.
Năm 2022, anh Nguyễn Ngọc Phi, 33 tuổi, ở khu phố 15, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước đã cải tạo diện tích 500 m2 trồng táo kém hiệu quả bằng cách đầu tư 500 triệu đồng xây dựng nhà màng, lắp đặt hệ thống tưới nước tuần hoàn, tưới nước phun sương, nhập các giống rau họ cải như: cải ngọt, cải thìa, cải đắng, tầng ô… về thực hiện mô hình trồng rau thủy canh khép kín trong nhà màng.
Các loại rau cho thu hoạch sau 30-40 ngày sinh trưởng, với giá bán ra thị trường từ 30.000-45.000 đồng/kg (tùy loại rau), đem lại thu nhập từ 20 triệu-30 triệu đồng/tháng. Sản phẩm luôn bảo đảm 5 không: không thuốc bảo vệ thực vật, không vi khuẩn Ecoli, không kim loại nặng, không biến đổi gien và không có thuốc tăng trưởng, cho nên đã trở thành nhà cung ứng lâu dài cho nhiều chủ vựa rau, nhà hàng phục vụ ăn, uống sản phẩm sạch tại địa phương.
Nhờ đầu tư lắp đặt hệ thống tự động với kỹ thuật điều khiển hiện đại, chỉ cần 2 nhân công với mức lương 7 triệu đồng/người/tháng, chăm sóc tốt vườn rau, giảm rất nhiều chi phí công chăm sóc so với cách trồng truyền thống.
Nhân rộng ứng dụng công nghệ cao
Tỉnh Ninh Thuận đã hình thành 31 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoạt động hiệu quả như: Dự án xây dựng Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tăng trưởng xanh (35 ha tại xã Phước Tiến, huyện Bác Ái); dự án trồng lan cấy mô (7 ha ở xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn); Trang trại nông nghiệp hữu cơ Sơn Hải (30 ha tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam); Trang trại nuôi lợn sinh sản hơn 7.000 con của Công ty TNHH Lộc Phát; dự án sản xuất tôm sú bố mẹ sạch bệnh của công ty MOANA…
Nhờ ứng dụng công nghệ xử lý nước đầu vào bằng hệ thống siêu lọc, tích hợp tia UV, Ozon, công nghệ chế phẩm vi sinh để quản lý chất lượng nguồn nước, mầm bệnh,… trong sản xuất tôm giống sạch, mỗi năm Công ty cổ phần Đầu tư S6, ở xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải cung cấp ra thị trường hơn 1,5 tỷ con tôm post…
Được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho vay thêm 70 triệu đồng, anh Võ Chí Cường ở thôn Gò Sạn, xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc đầu tư 200 triệu đồng lắp đặt nhà kính và hệ thống tưới nước hiện đại để trồng 200 m2 các loại rau sạch, mỗi tháng thu nhập khoảng 10 triệu đồng. Đến nay, mô hình trồng rau thủy canh trong nhà kính của anh Cường trở thành điểm tham quan, học hỏi của nông dân địa phương để nhân rộng diện tích sản xuất trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền cho biết: “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt từ 30-40%/năm; có ít nhất 4 vùng đáp ứng các tiêu chí nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với diện tích khoảng 1.000 ha, giá trị sản xuất đạt 700 triệu đồng/ha/năm”.