Sau tám lần tăng lãi suất liên tiếp, BoC cho biết sẽ tạm dừng chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ và không tăng lãi suất nữa nếu lạm phát giảm như kỳ vọng. BoC giữ nguyên lãi suất qua đêm cơ bản ở mức 4,5%, giảm đáng kể so với mức đỉnh 8% tháng 6/2022. Tuy nhiên, giới chức ngân hàng cho biết, lãi suất có thể cần duy trì ở mức cao một thời gian do áp lực tiền lương trong bối cảnh thị trường lao động thắt chặt và giá dịch vụ cao. Lạm phát tháng 3/2023 của Canada giảm còn 4,3%, tốc độ chậm nhất trong 19 tháng, sau khi đạt đỉnh 8,1% năm 2022. BoC dự kiến lạm phát sẽ giảm xuống 3% vào mùa hè này ngay cả khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khiêm tốn, sau đó giảm chậm hơn và xuống mức 2% cuối năm 2024. Tại cuộc họp chính sách vào tháng trước, các quan chức BoC đã cân nhắc một mức tăng lãi suất do thị trường lao động thắt chặt liên tục và tăng trưởng mạnh hơn dự kiến.
Theo Thống đốc Macklem, nếu căng thẳng tài chính toàn cầu xuất hiện trở lại, tác động lan tỏa đến Canada có thể còn đáng kể hơn. Ông khẳng định, nếu căng thẳng nghiêm trọng hơn xuất hiện ở Canada, BoC có sẵn các công cụ để cung cấp thanh khoản trong khi tiếp tục nỗ lực bình ổn giá tiêu dùng. Thống đốc Macklem cho rằng, hiện có rủi ro là những điều chỉnh này sẽ mất nhiều thời gian hơn hoặc bị đình trệ và lạm phát bị mắc kẹt trên mức mục tiêu 2%.
Tăng trưởng trong quý I/2023 của Canada chủ yếu đến từ sự hồi phục mạnh mẽ trong tháng 1, khi nhu cầu lao động tăng mạnh và thời tiết ấm áp thúc đẩy nhiều hoạt động sau thời gian dài chững lại. Tuy nhiên, xu hướng phục hồi này không kéo dài do tác động từ chính sách thắt chặt tiền tệ của BoC nhằm hạ nhiệt lạm phát. Theo Cơ quan Thống kê quốc gia Canada, GDP của Canada tháng 3 vừa qua đã giảm 0,1% sau hai tháng tăng liên tiếp, lần lượt ở mức 0,6% và 0,1%. Như vậy có thể thấy, nền kinh tế Canada đang thụt lùi kể từ đầu năm. Tuy nhiên, tính trong cả quý I, kinh tế Canada vẫn tăng 2,5% so với mức nền thấp ở cùng kỳ năm 2022.
Sau thời gian dài dồn nén do đại dịch Covid-19 và lãi suất liên tục tăng cao, nhiều hộ gia đình ở Canada có xu hướng chi tiêu thoải mái hơn khi dịch bệnh chấm dứt và BoC ngừng lộ trình tăng lãi suất. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tác động của lãi suất cao bao giờ cũng có độ trễ cho nên càng về sau các gia đình càng cảm nhận rõ hơn về những khó khăn tài chính. Trong khi đó, các doanh nghiệp lại chịu tác động nặng nề hơn, do phải tăng chi phí tài chính trong khi nhu cầu thị trường sụt giảm cả ở trong nước lẫn xuất khẩu.
Thống đốc Macklem thừa nhận lãi suất cao đang làm giảm chi tiêu của các hộ gia đình, nhất là với các mặt hàng xa xỉ. Nhiều gia đình đang gặp khó khăn trong thanh toán các khoản vay thế chấp, trong khi các doanh nghiệp phải cắt giảm đầu tư kinh doanh do nhu cầu tiêu dùng yếu hơn. Vì thế, GDP của Canada được dự báo sẽ tiếp tục co lại trong những tháng cuối năm, trước khi quay đầu phục hồi vào năm 2024.
Theo báo cáo do Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC) công bố, tình trạng vỡ nợ của người tiêu dùng tại Canada sẽ tăng lên trong vài năm tới khi các hộ gia đình mắc nợ phải vật lộn với chi phí đi vay ngày càng cao hơn và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Tỷ lệ nợ hộ gia đình trên thu nhập khả dụng của người Canada vào khoảng 180,5% quý IV/2022, ngang với mức trước đại dịch Covid-19.
Theo các chuyên gia, nếu BoC tiếp tục tăng lãi suất sẽ tạo thêm các tác động rất xấu cho nền kinh tế vốn đang khó khăn hiện nay của Canada. Hầu hết các nhà phân tích ở khu vực tư nhân đều dự báo, kinh tế Canada có thể sẽ suy thoái nhẹ cuối năm 2023, do lãi suất cao ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế. Ngoài ra, cuộc đình công kéo dài của 150.000 công chức liên bang cũng đang "thổi lửa" áp lực cho nền kinh tế.