Phát triển thương hiệu Dệt Thổ cẩm Kon Tum và Gạo thơm Đắk Hà

NDO - Ngày 26/12, tại thành phố Kon Tum, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum tổ chức Lễ đón nhận Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum, Gạo Thơm Đắk Hà và Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Kon Tum năm 2022.
0:00 / 0:00
0:00
Trao bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum và Gạo Thơm Đắk Hà.
Trao bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum và Gạo Thơm Đắk Hà.

Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum được Ban Dân tộc tỉnh đăng ký bảo hộ với mục đích bảo tồn, phát triển các sản phẩm dệt thổ cẩm đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa lâu đời của 7 dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Thông qua các sản phẩm thủ công này sẽ góp phần phát triển kinh tế, cải thiện sinh kế của người làm thổ cẩm trong xu thế hội nhập hiện nay. Nổi bật như các sản phẩm túi vải, địu trẻ em, các loại ví đựng cá nhân, ba lô, gối, vải, khăn, quần áo và mũ.

Phát triển thương hiệu Dệt Thổ cẩm Kon Tum và Gạo thơm Đắk Hà ảnh 1

Trao giải Nhì Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Kon Tum năm 2022 cho dự án Trạm xanh chuyển giao công nghệ sinh học hướng tới phát triển bền vững.

Đối với nhãn hiệu Gạo thơm Đắk Hà (huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) được định vị thương hiệu là sản phẩm Gạo thơm, sản xuất từ các giống lúa nổi tiếng, chất lượng. Sản lượng tuy không lớn, nhưng chất lượng, mùi vị của Gạo thơm Đắk Hà đã chinh phục được những người tiêu dùng khó tính trong và ngoài tỉnh.

Việc bảo hộ thành công Nhãn hiệu chứng nhận sẽ là bệ phóng để thương hiệu Dệt Thổ cẩm Kon Tum và Gạo thơm Đắk Hà phát triển.

Phát triển thương hiệu Dệt Thổ cẩm Kon Tum và Gạo thơm Đắk Hà ảnh 2

Trao giải cho các dự án có thành tích cao tại Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Kon Tum năm 2022.

Hiện, toàn tỉnh Kon Tum đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ hai chỉ dẫn địa lý, 11 nhãn hiệu chứng nhận và trên 100 nhãn hiệu cho các sản phẩm chủ lực, đặc thù của tỉnh và các địa phương. Trong đó, các sản phẩm đã tạo nên thương hiệu như sâm Ngọc Linh, cà phê, dược liệu và rau, hoa, củ, quả xứ lạnh.

Việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với các sản phẩm đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng, bảo vệ và phát triển thương hiệu trên thị trường, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sản xuất và tiêu dùng.

Phát triển thương hiệu Dệt Thổ cẩm Kon Tum và Gạo thơm Đắk Hà ảnh 3

Du khách tham quan, tìm hiểu sản phẩm Dệt Thổ cẩm Kon Tum.

Tại chương trình, Ban tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Kon Tum năm 2022 đã công bố kết quả và ghi nhận, biểu dương 17 ý tưởng, dự án tham gia dự thi trên các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất và chế biến dược liệu và du lịch.

Ban tổ chức đã trao giải Nhì (không có giải Nhất) cho dự án Trạm xanh chuyển giao công nghệ sinh học hướng tới phát triển bền vững (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cà Phê Nguyên Huy Hùng) và SERENE - Du lịch tình nguyện (nhóm tác giả thuộc Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum); trao 2 giải Ba và 2 giải Khuyến khích cho các dự án có thành tích cao.