Phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao

Nhân lực chất lượng cao cùng với công nghệ hiện đại là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn, mang tính quyết định đến thúc đẩy sáng tạo, phát triển công nghiệp công nghệ cao.
0:00 / 0:00
0:00
Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) là một trong những doanh nghiệp tiên phong đổi mới sáng tạo. (Ảnh TRẦN ĐỨC)
Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) là một trong những doanh nghiệp tiên phong đổi mới sáng tạo. (Ảnh TRẦN ĐỨC)

Tuy nhiên, phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao hiện nay của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, theo hướng hiện đại những ngành kinh tế mũi nhọn.

Các chuyên gia cho rằng, một trong những thách thức để Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, đó chính là nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực cho các lĩnh vực công nghệ cao. Do đó, Việt Nam cần có chiến lược bài bản, dài hạn phát triển nguồn nhân lực này để đáp ứng các ngành công nghiệp mới nổi trong bối cảnh công nghệ 4.0 đang bùng nổ trên toàn cầu.

Nguồn cung còn nhiều hạn chế

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), nguồn cung nhân lực chuyên môn cao của Việt Nam hiện nay còn rất hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu các ngành công nghiệp công nghệ, thiếu kỹ sư ngành bán dẫn. Ngành công nghiệp công nghệ cao đòi hỏi tỷ lệ cao hơn lao động có trình độ đại học và được đào tạo trong các lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), có thể cao gấp hai lần so với các ngành nghề khác.

Số liệu thống kê năm 2022 của WB cho thấy, tỷ lệ nhân lực đã qua đào tạo nghề hoặc đại học, sau đại học của Việt Nam là 13%, thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Vấn đề của Việt Nam trong ngành công nghiệp công nghệ là chỉ tham gia vào khâu sản xuất trung gian với giá trị gia tăng thấp. Việc xuất khẩu thiết bị điện tử vẫn đang phải phụ thuộc vào doanh nghiệp có vốn nước ngoài; đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) đang rất thấp.

Nguyên nhân dẫn đến điều này là do Việt Nam thiếu các nhà khoa học và kỹ sư có chuyên môn chuyên sâu để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo. “Nguồn cung nhân lực chuyên môn cao và sáng tạo của Việt Nam đang tăng chậm và chưa đáp ứng được nhu cầu các ngành công nghiệp công nghệ”, Tiến sĩ Andrea Coppola, chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam nhấn mạnh.

Các trường đại học tại Việt Nam tuy được đánh giá đào tạo khá tốt về kiến thức cơ bản nhưng tính liên ngành và việc đào tạo gắn với nghiên cứu và phát triển công nghệ lõi còn yếu. Các trường đại học đào tạo ra nhiều cử nhân, kỹ sư nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng về chuyên môn sâu của các tập đoàn lớn, nhất là về lĩnh vực công nghệ cao.

Doanh nghiệp cần sinh viên khi ra trường ngoài việc cần nắm chắc những kiến thức cơ bản thì còn cần có những kỹ năng làm việc cơ bản bao gồm: Giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề. Các trường đại học cần thay đổi phương thức đào tạo để giúp sinh viên tiếp cận được những kiến thức thực tế.

Các chuyên gia cho rằng, hiện nay, các trường xây dựng chương trình đào tạo thường mới chỉ quan tâm đến khung chương trình, nghĩa là các “lớp vỏ”, còn phương thức đào tạo “bên trong”, phương pháp đánh giá, và nội dung gì đưa vào chương trình đào tạo thì chưa làm kỹ.

Các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin và các lĩnh vực liên quan đến AI (trí tuệ nhân tạo) càng ngày càng nhiều; các doanh nghiệp nước ngoài đến và mở rộng hoạt động sản xuất ở Việt Nam cũng rất lớn; do đó sẽ cần nhân lực công nghệ cao.

Khi thị trường lao động đòi hỏi nguồn nhân lực lớn thì các trường đại học cũng cần thay đổi chương trình đào tạo, các phương thức đào tạo để sinh viên tiếp cận được với những kỹ năng cần thiết. Những doanh nghiệp thường tiếp cận các công nghệ rất mới và những bài toán cần lời giải của họ đòi hỏi cần nhiều kỹ năng và kiến thức cập nhật liên tục chứ không chỉ theo giáo trình như ở các trường đại học; cho nên doanh nghiệp đòi hỏi sinh viên sau khi vào làm phải tự đào tạo thay vì doanh nghiệp đào tạo lại những kiến thức cơ bản về chuyên ngành.

Điểm hạn chế trong quá trình đào tạo hiện nay là sinh viên chưa tiếp cận được nhiều kỹ năng chuyên sâu về công nghệ cao, những điểm mà doanh nghiệp đang cần.

Đổi mới để đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Các trường đại học hợp tác các doanh nghiệp để xây dựng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp là rất cần thiết. Đồng thời, cũng cần cập nhật chương trình giảng dạy ngành công nghiệp mới nổi, những ngành công nghiệp lõi, mũi nhọn cho các lĩnh vực công nghệ cao.

Là một trong những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực lắp ráp và kiểm định các sản phẩm chip máy tính để xuất khẩu và nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực thông tin kỹ thuật cao, Công ty TNHH Intel Products Việt Nam nhận thấy có rất nhiều thuận lợi khi đầu tư vào Việt Nam, kể từ năm 2006.

Ông Kenneth Tse, Tổng Giám đốc công ty cho rằng: Để phát triển nhiều hơn nữa trong lĩnh vực công nghệ cao và công nghiệp bán dẫn, nguồn nhân lực luôn là ưu tiên của Intel. Intel nhận thấy rằng, sự hợp tác giữa nhà trường, Nhà nước và doanh nghiệp là một ưu tiên mà các trường cần tập trung, cũng như phát triển giáo trình đào tạo phù hợp với sự phát triển rất nhanh của ngành công nghệ. Việc tạo cho sinh viên có nhiều cơ hội thực hành các dự án xử lý, những vấn đề trong lĩnh vực công nghệ cao cần phải ưu tiên.

Thời gian qua, các trường đại học đã tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn trong đào tạo nguồn nhân lực ở các lĩnh vực công nghệ cao. Mới đây, các trường đại học như: Bách khoa, Công nghệ thông tin, Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh); Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh; Lạc Hồng (Đồng Nai); Việt Đức (Bình Dương) đã cử các giảng viên đến Công ty Synopsys Việt Nam tìm hiểu, học tập về phát triển đào tạo vi mạch chuyên nghiệp. Synopsys Việt Nam là một trong các chi nhánh của Tập đoàn Synopsys, trụ sở đặt tại Thung lũng Silicon, Mỹ; có hơn 37 năm kinh nghiệm trong ngành vi mạch bán dẫn, doanh thu đạt hơn 6 tỷ USD năm 2023.

Tại Synopsys Việt Nam, các học viên được làm việc trực tiếp với quyền tiếp cận, truy cập vào nguồn tài nguyên học thuật phong phú từ SARA (Synopsys Academic Research Alliance). Đi cùng mỗi giảng viên có sự đồng hành của nhóm kỹ sư chuyên nghiệp để hỗ trợ hướng dẫn sử dụng các công cụ tiên tiến và tài nguyên giảng dạy độc quyền.

Qua đó, có thể giúp các giảng viên xây dựng thành công chương trình đào tạo và bài giảng chất lượng cao, bám sát thực tiễn để giúp sinh viên nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh xác định hợp tác với doanh nghiệp là đòn bẩy để cải tiến chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, là điểm tựa để các nghiên cứu đi vào ứng dụng thực tiễn.

Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, đơn vị đã xác định ba mũi nhọn về đào tạo và nghiên cứu cho các ngành công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo.

Về đào tạo, chiến lược xác định sẽ đào tạo được 1.800 kỹ sư và 500 thạc sĩ thiết kế vi mạch, đào tạo và cấp chứng chỉ công nghiệp và quốc tế về thiết kế vi mạch cho khoảng 15.000 kỹ sư; đồng thời, đào tạo 10 nghìn kỹ sư, cử nhân, 3.200 thạc sĩ và 600 tiến sĩ ngành công nghệ sinh học và một số nhóm ngành liên quan; đào tạo 20 nghìn cử nhân, kỹ sư; 2.000 thạc sĩ, 300 tiến sĩ trong lĩnh vực công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo.

Về nghiên cứu, xác định sẽ làm chủ một số công nghệ lõi, công nghệ nền trong các lĩnh vực công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, và hình thành một số doanh nghiệp khởi nguồn, khởi nghiệp trong các lĩnh vực này.