Hội thảo nhận được 68 tham luận của các nhà quản lý, nhà khoa học với nhiều chủ đề và góc nhìn phong phú, đa dạng, làm rõ ba vấn đề chủ yếu: Cơ sở lý luận và thực tiễn về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành xuất bản để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới; Phân tích, đánh giá thực trạng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành xuất bản ở Việt Nam, chỉ rõ các thành tựu, hạn chế và phân tích làm rõ những nguyên nhân; Đề xuất các định hướng, giải pháp và khuyến nghị về nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành xuất bản trong giai đoạn mới.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đánh giá: Trong thời gian tới, việc đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao vẫn sẽ là công tác trọng tâm, cấp bách đối với ngành xuất bản. Những tác động sâu sắc của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những xu hướng, phương thức mới trong hoạt động xuất bản, đồng thời sự trưởng thành của ngành xuất bản và sự thay đổi trong thị hiếu của công chúng đang đặt ra yêu cầu đổi mới đào tạo nguồn nhân lực cho ngành xuất bản để tạo ra thay đổi, tháo gỡ những nút thắt và tạo động lực cho ngành công nghiệp văn hóa quan trọng này.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Công tác đào tạo nguồn nhân lực phải góp phần giúp ngành xuất bản thực hiện tốt hai nhiệm vụ kép: Vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị, tư tưởng, đáp ứng nhu cầu đọc sách của nhân dân, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ kinh tế, xây dựng ngành xuất bản trở thành một ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, phát triển toàn diện, vững chắc.
Hội thảo là hoạt động khoa học góp phần tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” và đánh giá thực trạng đào tạo nguồn nhân lực ngành xuất bản thời gian qua, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.