Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, sự kiện nhằm tổng kết đánh giá toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW trên toàn quốc; làm rõ kết quả đạt được, hạn chế khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn; đồng thời xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao phù hợp với định hướng phát triển trong thời gian tới.
Theo báo cáo, trong 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 37, việc đổi mới chương trình, nội dung đào tạo nhân lực có tay nghề cao đã đạt nhiều kết quả quan trọng : Về tuyển sinh, đào tạo, số lượng tuyển sinh giai đoạn 2014-2023 đạt 21 triệu 238 nghìn người, trong đó trình độ cao đẳng đạt 1,716 triệu người (chiếm 8,1%), trình độ trung cấp đạt 2,4 triệu người (chiếm 11,6%). Quy mô đào tạo tăng góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ của cả nước năm 2023 đạt 27,6%.
Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp được đẩy mạnh cả về quy mô và đa dạng hóa về nội dung, hình thức. Thông qua các chương trình hợp tác quốc tế, nhiều nhà giáo và cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng ở những nước tiên tiến. Giáo viên, học sinh, sinh viên tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, từng bước quốc tế hóa tiêu chuẩn kỹ năng nghề.
Việc triển khai mô hình đào tạo thí điểm áp dụng chương trình đào tạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn của Australia và Đức và một số quốc gia tiên tiến khác mang lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được học tập, rèn luyện kỹ năng nghề trong môi trường hiện đại và sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động khu vực và quốc tế.
Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã gắn kết hơn với doanh nghiệp và cơ sở sử dụng lao động trong tổ chức đào tạo, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp; cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp và cơ sở sử dụng lao động bắt đầu hình thành và vận hành có hiệu quả trong thực tiễn.
Tuy nhiên, theo đánh giá, trình độ học vấn của lực lượng lao động qua đào tạo ở Việt Nam thấp, chủ yếu là trung học cơ sở (67%); năng suất lao động thấp hơn nhiều nước trong khu vực 72. Trình độ đào tạo sơ cấp, dưới 3 tháng còn chiếm tỷ lệ cao (75%). Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ở nước ta còn thấp hơn so với các nước phát triển.
Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đủ điều kiện đào tạo nhân lực tay nghề cao, việc đào tạo nhân lực có tay nghề cao chưa đáp ứng nhu cầu thực tế về nguồn nhân lực của thị trường lao động. Đào tạo nhân lực có tay nghề cao ở các làng nghề chưa được quan tâm đúng mức. Chưa gắn kết các mô hình đào tạo chất lượng cao, tay nghề cao với giải quyết việc làm bền vững phù hợp với điều kiện của địa phương. Công tác quản lý và kiểm soát chất lượng đào tạo nhân lực tay nghề cao vẫn còn hạn chế; chưa mở rộng việc tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề.
Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng Nguyễn Thị Huyền cũng chỉ ra những hạn chế trong công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Khi thực tế kết quả tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp hằng năm chưa đạt quy mô được cấp; tỷ lệ phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông vào giáo dục nghề nghiệp chưa cao, cơ cấu trình độ và nghề đào tạo chưa hợp lý, chưa thực sự gắn bó hữu cơ với nhu cầu lao động của từng ngành, từng địa phương; chất lượng đào tạo nghề nghiệp, một số ngành kỹ năng nghề của người học chưa phù hợp, chưa đáp ứng với nhu cầu của người sử dụng lao động, nhất là đào tạo chất lượng cao ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng mong muốn, sau hội nghị này, các địa phương cần quan tâm, đặc biệt các cơ sở cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các cơ quan liên quan tiếp tục chỉ đạo, phối hợp, tạo điều kiện, tạo cơ chế chính sách phù hợp cho các đơn vị đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực quản lý, thuộc địa bàn quản lý thực hiện nhiệm vụ đào tạo: đủ về số lượng, tăng về chất lượng cho nguồn nhân lực có tay nghề cao phục vụ nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của đơn vị, địa phương, các địa bàn lân cận và toàn quốc. Đặc biệt chú trọng vào các lĩnh vực, ngành nghề mới, với các kỹ năng mới mà xã hội đang có nhu cầu; góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.