Bài 1: Yếu tố then chốt quyết định thành công
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, am hiểu và làm chủ công nghệ trở thành yếu tố then chốt quyết định sự thành công của từng địa phương, cũng như cho vùng Đông Nam Bộ.
Cần thẳng thắn nhìn nhận, nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, vẫn là rào cản cho vùng Đông Nam Bộ phát triển bền vững, hội nhập sâu rộng với chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Khát” lao động chất lượng cao
Là thủ phủ công nghiệp của cả nước, đến nay, 31 khu công nghiệp ở Đồng Nai đang hoạt động thu hút nhà đầu tư từ 44 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng số 2.138 dự án. Trong đó, có 1.496 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư gần 35 tỷ USD và 642 dự án trong nước, tổng vốn đầu tư gần 82.000 tỷ đồng, vì vậy, nhu cầu tuyển dụng lao động hiện nay tại Đồng Nai là rất lớn. Toàn tỉnh hiện có lực lượng lao động khoảng 1,2 triệu người. Hằng năm, tỉnh cần bổ sung thêm khoảng 80 nghìn lao động. Phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn Đồng Nai là doanh nghiệp FDI, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất và cần nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đồng Nai luôn xác định nguồn nhân lực chất lượng cao là động lực, giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương. Vì thế, phát triển nguồn nhân lực là một trong bốn khâu đột phá mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 11 đã đề ra. Thời gian qua, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp và có nhiều cơ chế hỗ trợ công tác đào tạo, thu hút, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, thực tế tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp, thiếu hụt lao động có tay nghề cao và chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, trong khi nhân lực trong các ngành kinh tế mũi nhọn và các ngành phục vụ kinh tế số còn rất thiếu. Nhiều doanh nghiệp muốn tuyển dụng và sử dụng lao động chất lượng cao nhưng rất khó tìm được lao động Việt Nam đáp ứng yêu cầu. Đơn cử, cuối tháng 11/2023, nhà thầu đến từ Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 tuyển người lao động Việt Nam vào 31 vị trí công việc với mức lương 400 triệu đồng/tháng cho giám đốc dự án, trưởng phòng dự án...
Yêu cầu của các vị trí là có ít nhất ba năm kinh nghiệm làm ở vị trí nêu trên, có bằng đại học và thông thạo tiếng Anh. Tuy nhiên, họ không thể tìm được ứng viên người Việt Nam nào để thực hiện công việc.
Trong khi đó, thị trường lao động hiện nay đang diễn ra một nghịch lý là nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp nhưng các doanh nghiệp lại vẫn “khát” lao động chất lượng cao. Hiện, các doanh nghiệp tuyển dụng lao động kỹ thuật cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đều gặp khó khăn về vấn đề này.
Điều này cho thấy, Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các địa phương khác trong vùng Đông Nam Bộ không thiếu lao động, nhưng lại thiếu nhân lực chất lượng cao trong những ngành công nghiệp trọng yếu, mang tính dẫn dắt như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, cơ khí chính xác, điện tử, kinh tế số, công nghệ nano, logistics, tư động hóa…
Nút thắt cần tháo gỡ
Là một trong những doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn nhất ở Đồng Nai đến từ Hàn Quốc, Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai thường xuyên có nhu cầu tuyển lao động kỹ thuật ở các vị trí công việc phục vụ vận hành các dây chuyền hiện đại. Tuy nhiên, việc tuyển dụng không hề dễ dàng tại các phiên giao dịch việc làm. Bởi, lao động nộp hồ sơ phỏng vấn ít đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp trong việc tìm nguồn nhân lực chất lượng cao cho các vị trí ở những dây chuyền sản xuất.
Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành kinh tế trọng điểm, ngành kinh tế mới nổi là vấn đề đang được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ trên toàn cầu và đây là một trong những hạn chế làm cho vùng Đông Nam Bộ chưa phát triển như kỳ vọng.
Đề cập tổng quan về nguồn nhân lực trong các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Cành, Trường đại học Kinh tế-Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), hầu hết doanh nghiệp tuyển lao động phổ thông, sau đó tổ chức bồi dưỡng, dạy nghề, vận hành máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất do chuyên gia nước ngoài hoặc chuyên gia Việt Nam hướng dẫn để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Ngay cả lao động kỹ thuật cao (kỹ sư), sau khi tuyển dụng lao động, nhiều doanh nghiệp phải tổ chức đào tạo lại mới đáp ứng yêu cầu công việc. Nhiều doanh nghiệp tuyển chọn lao động Việt Nam rồi gửi sang công ty mẹ để bồi dưỡng, đào tạo về chuyên môn, quản lý, điều hành nhằm thay thế dần các chuyên gia nước ngoài. Thời gian học tập khoảng từ ba tháng đến một năm.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài, Trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: Tỷ lệ lao động có kỹ năng vùng Đông Nam Bộ chỉ xấp xỉ bằng mức trung bình của cả nước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trung bình toàn vùng có xu hướng tăng theo thời gian nhưng mức tăng không nhiều trong hơn 10 năm qua và trung bình hằng năm chỉ tăng xấp xỉ 1%.
Trừ Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu có tỷ trọng người lao động đã qua đào tạo cao hơn hẳn các địa phương khác trong vùng, các địa phương còn lại có tỷ trọng người lao động đã qua đào tạo thấp hơn nhiều so với mức trung bình của vùng. Tỷ lệ thấp về lao động kỹ năng là một điểm nghẽn rất lớn trong quá trình nâng cấp công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
(Còn nữa)