Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang hướng tới tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản". Một trong những vấn đề trọng tâm đặt ra đối với ngành xuất bản trong thời kỳ mới được nêu rõ trong Chỉ thị, đó là việc phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ, giải pháp then chốt.
Hội thảo tập hợp gần 70 bài viết, bài tham luận của các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu... và chia thành ba phần: Một số vấn đề lý luận về nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản; Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam - thực trạng và một số vấn đề đặt ra; Định hướng và giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam trong giai đoạn mới.
Các bài viết, bài tham luận tập trung làm rõ cơ sở lý luận và phân tích thực trạng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam; dự báo xu hướng phát triển, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao; từ đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Hội thảo thu hút đông đảo các nhà quản lý, chuyên gia đóng góp giải pháp. |
Phát biểu chào mừng và khai mạc hội thảo, PGS,TS Phạm Minh Sơn - Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định: Xuyên suốt chiều dài lịch sử cách mạng vẻ vang của dân tộc, Đảng ta luôn xác định xuất bản là bộ phận quan trọng trên mặt trận tư tưởng-văn hóa, góp phần tích cực vào nhiệm vụ tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ vai trò to lớn trong việc tích luỹ, truyền bá tri thức và các giá trị tinh thần, nâng cao dân trí, phát triển văn hoá, xây dựng nền tảng tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách và trí tuệ con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
PGS,TS Phạm Minh Sơn phát biểu chào mừng và khai mạc hội thảo. |
Với vị trí, vai trò quan trọng của mình, trong suốt hơn 70 năm xây dựng và trưởng thành, ngành xuất bản luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, cách đây 20 năm, vào ngày 25/8/2004, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW về Nâng cao chất lượng toàn diện của ngành xuất bản, với những định hướng lớn, nhiều nhiệm vụ và giải pháp quan trọng và toàn diện, đã tiếp thêm sinh khí và mở ra thời kỳ phát triển mới rực rỡ của ngành xuất bản nước nhà.
"Bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế sau 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW đã có nhiều thay đổi và đang tiếp tục biến động rất nhanh chóng, phức tạp. Toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động sâu sắc đến tất cả các khía cạnh của đời sống xã hội, tạo ra cả những thời cơ và thách thức đối với công tác xuất bản nói chung và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Xuất bản nói riêng, trong đó thách thức có phần nhiều hơn" - PGS,TS Phạm Minh Sơn - Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
PGS,TS Vũ Trọng Lâm - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật trong báo cáo đề dẫn nhấn mạnh: Yếu tố con người luôn được coi là nhân tố trung tâm, chủ thể chiến lược, quyết định thành công trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Con người là vốn quý nhất, phát triển con người với tư cách vừa là động lực, vừa là mục tiêu của cách mạng, của sự nghiệp đổi mới đất nước. Trong đó, con người và sự phát triển con người được đặt vào vị trí trung tâm của chiến lược kinh tế-xã hội. Và, nhân lực ngành xuất bản cũng không phải ngoại lệ.
Thời gian qua, với sự quan tâm của các ngành, các cấp, sự nỗ lực của các cơ quan xuất bản, cơ sở đào tạo, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Xuất bản đã liên tục được đổi mới về mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu về nguồn lực chất lượng cao cho ngành trong tình hình mới.
PGS,TS Vũ Trọng Lâm trình bày báo cáo đề dẫn. |
Hiện nay, trên cả nước có bốn cơ sở chủ yếu đào tạo cán bộ ngành xuất bản, in và phát hành, bao gồm: Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường đại học Văn hóa Hà Nội, Trường đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Bách khoa Hà Nội.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, phát triển nguồn nhân lực xuất bản trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, như: Việc thể chế hóa chủ trương, định hướng của Đảng còn chậm, đặc biệt là trong xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp với tính đặc thù của hoạt động xuất bản; một số cơ quan chủ quản nhà xuất bản chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nhiệm vụ chỉ đạo xây dựng chiến lược phát triển, đặc biệt là chiến lược phát triển nguồn nhân lực; ít cơ sở đào tạo nguồn nhân lực xuất bản; nguồn nhân lực để thực hiện chuyển đổi cơ cấu sách in sang sách điện tử còn thiếu và yếu; một số cơ sở xuất bản sử dụng nguồn nhân lực xuất bản chưa thực sự chú trọng đến việc đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ, dẫn đến không theo kịp sự phát triển của thực tiễn.
Đánh giá về vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam, PGS,TS Phạm Minh Tuấn - Chủ tịch Hội - cho rằng, trong giai đoạn mới, quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản sẽ diễn ra ngày càng nhanh chóng và mạnh mẽ; bên cạnh xuất bản sách truyền thống, xuất bản điện tử sẽ trở thành xu hướng mới, cùng với sự phát triển của công nghệ điện tử, kỹ thuật số và các thiết bị thông minh; sự cạnh tranh trong môi trường xuất bản cũng ngày càng gay gắt, do đó, yêu cầu đối với ngành xuất bản và nhân lực ngành xuất bản cũng ngày càng cao và khắt khe hơn.
Gần 70 tham luận được trình bày tại hội thảo. |
Để nâng cao hơn nữa vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và phát triển nguồn nhân lực của ngành xuất bản, cần tập trung một số giải pháp, như: Tiếp tục tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của tổ chức quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hội viên tuân thủ các quy định của pháp luật, tăng cường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động xuất bản; phối hợp các cơ quan hữu quan xây dựng và triển khai các giải pháp mở rộng thị trường, tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi bản quyền; đổi mới, đa dạng hóa phương thức truyền thông sách, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ sở đào tạo trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học ngành xuất bản, phát hành, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực xuất bản điện tử. Hội cũng cần giữ vai trò cầu nối giữa các cơ sở đào tạo và các nhà xuất bản, doanh nghiệp trong việc liên kết đào tạo, nâng cao trình độ cho nguồn nhân lực xuất bản.
Một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành xuất bản trong bối cảnh mới tập trung vào năm nhóm vấn đề: triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách của Nhà nước về đầu tư, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành xuất bản, nghiên cứu xây dựng quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành xuất bản; phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành xuất bản gắn với phát triển của các nhà xuất bản, các doanh nghiệp phát hành, kinh doanh xuất bản phẩm; tập trung phát triển giáo dục-đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và toàn diện, tạo chuyển biến căn bản về chất lượng, hiệu quả và quy mô; các nhà xuất bản cần chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn, rèn luyện đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, nhãn quan chính trị cho cán bộ, biên tập viên của ngành xuất bản; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh trong lĩnh vực xuất bản, có chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài, những người có trình độ cao được đào tạo ở trong và ngoài nước về công tác trong ngành xuất bản.