Phát triển dịch vụ tài chính vùng Đông Nam Bộ

Những năm qua, với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với xu hướng chuyển đổi số đã và đang thay đổi mọi mặt hoạt động của lĩnh vực dịch vụ tài chính vùng Đông Nam Bộ, nhất là TP Hồ Chí Minh-hạt nhân của vùng. Các nền tảng công nghệ hiện đại, đột phá ngày càng được ứng dụng rộng rãi, góp phần đa dạng hóa các hoạt động và kênh phân phối, hiện đại hóa sản phẩm, dịch vụ tài chính.
0:00 / 0:00
0:00
Giới thiệu các phương thức thanh toán điện tử tại Diễn đàn kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
Giới thiệu các phương thức thanh toán điện tử tại Diễn đàn kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Vùng Đông Nam Bộ bao gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước được xác định là vùng lõi của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, nơi hội tụ các yếu tố thuận lợi cho phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, trong đó có dịch vụ tài chính. Vùng Đông Nam Bộ hiện đang dẫn đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Tính đến nay, vùng chiếm khoảng 60% số dự án và gần 50% vốn FDI của cả nước và kim ngạch xuất khẩu của vùng chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Vùng còn là đầu tàu trong phát triển kinh tế và đóng góp chủ đạo cho ngân sách nhà nước. Sự phát triển kinh tế-xã hội vùng Đông Nam Bộ là cơ sở quan trọng cho việc hình thành và phát triển các dịch vụ tài chính. Trong đó, với thế mạnh là trung tâm công nghiệp lớn nhất của cả nước, một mạng lưới dày đặc với gần 120 khu công nghiệp, tập trung ở tứ giác TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu. Sự phát triển của các khu công nghiệp và số lượng doanh nghiệp đặt ra yêu cầu về các dịch vụ như dịch vụ kế toán, kiểm toán; dịch vụ tư vấn đầu tư; các dịch vụ liên quan đến huy động vốn, cho vay vốn, dịch vụ bao thanh toán, dịch vụ ngoại hối, dịch vụ bảo lãnh, các dịch vụ về thanh toán và chuyển tiền; dịch vụ bảo hiểm (nhà xưởng, máy móc, thiết bị và con người). Bên cạnh đó, nhu cầu hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng Đông Nam Bộ cũng đang đặt ra yêu cầu về sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính như trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu chính quyền địa phương xanh, trái phiếu doanh nghiệp…

Tiến sĩ Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho rằng: Cùng với sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính cả nước, ngành dịch vụ tài chính vùng Đông Nam Bộ cũng đạt được những kết quả tích cực với hạt nhân tăng trưởng là TP Hồ Chí Minh. Hiện tại, TP Hồ Chí Minh đang là trung tâm tài chính quốc gia và có vị trí trung bình trong ASEAN. Từ tháng 3/2020, Trung tâm tài chính TP Hồ Chí Minh đã được đánh giá và xếp hạng là một thị trường tài chính thứ cấp trên bảng xếp hạng Chỉ số Trung tâm Tài chính toàn cầu (Global Financial Centres Index - GFCI). Đến tháng 9/2021, thành phố hiện đang đứng đầu danh sách 10 trung tâm tiềm năng được xem xét để đưa vào danh sách đánh giá chính thức của GFCI, nhờ đạt mức điểm cao nhất về số lượng nội dung đánh giá (148/150).

Theo các chuyên gia, ngành dịch vụ tài chính vùng Đông Nam Bộ đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của từng địa phương trong vùng cũng như toàn vùng. Sự đa dạng của các sản phẩm dịch vụ tài chính như dịch vụ ngân hàng, dịch vụ chứng khoán, tham gia bảo toàn vốn với các dịch vụ bảo hiểm, giao dịch thanh toán như các dịch vụ thanh toán qua ngân hàng… đã thúc đẩy quá trình chu chuyển vốn, đáp ứng nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp. Sự phát triển của dịch vụ tư vấn kế toán-kiểm toán một mặt góp phần quan trọng trong quá trình nâng cao hiệu quả quản lý tài chính cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mặt khác bảo đảm độ tin cậy cho các báo cáo tài chính giúp doanh nghiệp đa dạng hóa kênh huy động vốn đầu tư. "Tuy nhiên, ngành dịch vụ tài chính vùng Đông Nam Bộ còn tồn tại một số vấn đề như các sản phẩm bảo hiểm rủi ro xanh, dự án xanh; sản phẩm bảo hiểm rủi ro trên nền tảng số, bảo hiểm số; dịch vụ tư vấn tự động… chưa phát triển. Việc phát triển sản phẩm và mở rộng cung ứng dịch vụ tài chính tới các phân khúc khách hàng chưa thật sự được chú trọng, dẫn đến tỷ lệ dân cư và doanh nghiệp quy mô nhỏ, siêu nhỏ tiếp cận được các sản phẩm, dịch vụ tài chính vẫn còn tương đối thấp. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ tài chính và các dịch vụ tài chính kỹ thuật số như dịch vụ tài chính di động, dịch vụ tài chính trực tuyến, chuyển tiền xuyên biên giới, bảo hiểm số và ngân hàng số cũng đặt ra một số thách thức trong phát triển các dịch vụ tài chính mới tại vùng Đông Nam Bộ", Tiến sĩ Nguyễn Như Quỳnh cho biết.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển, bắt kịp với xu hướng của thế giới, vùng Đông Nam Bộ cần phát triển các dịch vụ tài chính đáp ứng yêu cầu phát triển tài chính toàn diện, phát triển xanh và bền vững. Các sản phẩm dịch vụ tài chính của vùng phải theo xu hướng kỹ thuật số, gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với các sản phẩm tài chính số, ngân hàng số, chứng khoán số, bảo hiểm số… Muốn làm được điều này, các chuyên gia đề xuất các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách một cách đồng bộ, hiện đại, minh bạch và bền vững. Trong đó, chú trọng đến tái cấu trúc hạ tầng công nghệ ngân hàng theo hướng đơn giản hóa, tự động hóa, sử dụng trí tuệ nhận tạo, bảo đảm an ninh bảo mật, làm nền tảng cho đổi mới tổ chức và hoạt động của mỗi ngân hàng. Đồng thời, các địa phương trong vùng đầu tư, phát triển đa dạng các phương thức thanh toán điện tử phù hợp xu hướng thanh toán toàn cầu...