Cụ thể, hai dự án gia cố sạt lở bờ biển thuộc xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu với tổng chiều dài gần 3.000m, sử dụng cọc bê-tông cốt thép ly tâm dự ứng lực, giữa hai hàng cọc thả bè tràm chống lún và đá hộc. Tổng kinh phí hai dự án hơn 140 tỷ từ nguồn vốn Trung ương đầu tư, địa phương đối ứng 10% là 14 tỷ đồng.
Các dự án nhằm chủ động khắc phục, phòng ngừa diễn biến sạt lở ngày càng nghiêm trọng, nhằm bảo vệ tài sản, tính mạng, ổn định đời sống của người dân và các công trình hạ tầng thiết yếu, tạo điều kiện ổn định và phát triển kinh tế-xã hội vùng ven biển; bảo vệ phục hồi đai rừng phòng hộ xung yếu cho tuyến đê biển Sóc Trăng.
“Các dự án được thông qua có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Địa điểm triển khai các dự án thuộc khu vực sạt lở bờ biển đặc biệt nguy hiểm cần được gia cố khẩn cấp nhằm phòng, chống thiên tai, bảo vệ rừng phòng hộ. Đây là những dự án thuộc nhiệm vụ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết 11 của Chính phủ”, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng Hồ Thị Cẩm Đào cho biết.
Những ngày qua, do triều cường và mưa to gây sạt lở nghiêm trọng tuyến đê biển xung yếu giữa tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu. Cụ thể, tại khu vực K39-K45 thuộc địa bàn xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tuyến đê dài hơn 7km đang bị hư hỏng nặng do ảnh hưởng của sóng biển đánh trực tiếp sạt lở thân đê, nguy cơ vỡ đê là rất cao.
Khu vực tuyến đê biển từ giáp ranh tỉnh Bạc Liêu đến cống số 4 có chiều dài 6km bị đe dọa trực tiếp do sóng biển và sự biến đổi của dòng chảy. Tại khu vực trên dãy rừng phòng hộ làm nhiệm vụ chắn sóng cũng bị thiệt hại nghiêm trọng, nhiều đoạn không còn rừng phòng hộ.