Truyền thống anh hùng cách mạng
Lịch sử phong trào công nhân cao-su Việt Nam mãi khắc ghi sự kiện cách đây 92 năm, vào đêm 28/10/1929, tại cánh rừng sau Làng 3 Đồn điền cao-su Phú Riềng thuộc địa bàn xã Thuận Lợi (nay là xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước), Chi bộ Đông Dương Cộng sản được thành lập. Chi bộ gồm 6 đảng viên, do đồng chí Nguyễn Xuân Cừ làm Bí thư. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, ngày 3/2/1930, cùng thời điểm Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, 5.000 công nhân cao-su thực hiện cuộc tổng bãi công. Với khí thế cách mạng lên cao, lôi kéo hết thảy công nhân 10 làng và dân chúng. Toàn bộ đồn điền Phú Riềng chuyển thành “Khu đỏ”.
Cuộc tổng bãi công của công nhân cao-su Phú Riềng đấu tranh anh dũng trong 8 ngày và đã giành thắng lợi to lớn, ảnh hưởng rộng rãi và để lại những bài học sâu sắc, làm rung chuyển cả hệ thống địa ngục cao-su ở Đông Dương. “Phú Riềng đỏ” không chỉ là nỗi khiếp sợ của bọn chủ đồn điền, là nỗi ám ảnh của thực dân Pháp, mà còn là niềm cổ vũ, tự hào vô song của đội ngũ công nhân cao-su.
Từ chiếc nôi “Phú Riềng đỏ” đã ươm mầm giáo dục và rèn luyện nên biết bao tấm gương đấu tranh bất khuất, hy sinh kiên cường của các thế hệ công nhân cao-su, làm rạng rỡ những trang truyền thống vẻ vang của ngành cao-su Việt Nam. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, các đồn điền cao-su vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương cung cấp nhân tài, vật lực, vừa nuôi dưỡng, che giấu cán bộ... Ghi nhận những đóng góp to lớn của công nhân ngành cao-su, Nhà nước đã công nhận ngày 28/10 hằng năm là Ngày truyền thống ngành cao-su Việt Nam.
Ông Huỳnh Văn Bảo, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam, chia sẻ: “124 năm cây cao-su hiện diện tại Việt Nam, 92 năm truyền thống “Phú Riềng đỏ” là những mốc son trong lịch sử đấu tranh cách mạng bởi ý chí quyết tâm và nghị lực phi thường, là điểm tựa, kết nối hàng chục nghìn trái tim yêu nước của thế hệ công nhân cao-su. Ngành cao-su và người thợ cao-su hôm nay luôn khát vọng về một ngành cao-su Việt Nam phát triển bền vững, đời sống công nhân ấm no, hạnh phúc. “Phú Riềng đỏ” là mạch nguồn sức mạnh, là nền tảng động lực tinh thần to lớn đang được thế hệ người thợ hôm nay tiếp tục bồi đắp, tạo nên những kỳ tích mới, với quyết tâm mãnh liệt hiện thực hóa khát vọng đưa ngành cao-su Việt Nam phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn thành tập đoàn kinh tế mạnh của đất nước”.
Phát triển đi liền với nâng cao đời sống công nhân
Qua nhiều thời kỳ dựng xây và phát triển, đến nay Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam (VRG) đang quản lý 407.000 ha cao-su trên địa bàn 29 tỉnh, thành phố, trải dài từ miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, duyên hải miền trung, khu vực Tây Bắc, Đông Bắc và hai nước bạn Lào, Campuchia. Mỗi năm VRG chế biến bình quân 320.000 tấn cao-su các loại. Tuy chỉ chiếm khoảng 30% diện tích và sản lượng cao su cả nước, nhưng VRG giữ vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy ngành cao-su Việt Nam phát triển. Cao-su Việt Nam đang khẳng định vị thế quan trọng trên bản đồ cao-su thế giới. Hiện Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu cao-su thiên nhiên lớn thứ ba toàn cầu, dẫn đầu thế giới về năng suất vườn cây.
Để vươn cao, vươn xa hơn, VRG đã xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, VRG xem phát triển bền vững là xu thế tất yếu để tồn tại trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, gắn liền với ba trụ cột: Phát triển kinh tế - Trách nhiệm với cộng đồng và xã hội - Bảo vệ môi trường. Năm 2019, Tập đoàn có 10 doanh nghiệp trực thuộc được công nhận nằm trong “Top 100” doanh nghiệp bền vững Việt Nam. Đến năm 2020 tăng lên 14 đơn vị đạt Top 100. Trong đó, hai đơn vị là Cao-su Dầu Tiếng và Cao-su Bến Thành xuất sắc nằm trong Top 10. Đến tháng 8/2021, đã có trên 54.500 ha cao-su của 12 công ty thành viên VRG được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC-FM và 22 nhà máy chế biến mủ cao-su được cấp chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm PEFC-CoC.
Dù ngành cao-su có những giai đoạn đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhưng VRG và các đơn vị thành viên luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động. Đến nay, trên 90% hộ công nhân cao-su thuộc diện khá giả; xóa bỏ 100% nhà tranh, tre, nứa, lá tạm bợ; đã có 3/4 số hộ có nhà ở kiên cố và bán kiên cố; xóa 100% hộ đói. Cùng với đời sống vật chất, đời sống tinh thần của người lao động cũng luôn được ngành cao-su quan tâm, chăm lo, thông qua việc thiết lập các thiết chế văn hóa cơ sở và thường xuyên tổ chức các hoạt động, phong trào văn hóa, thể dục thể thao ở tất cả các cấp. Điều này không chỉ góp phần phát triển con người một cách toàn diện mà còn giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, đưa người công nhân cao-su bắt nhịp với đời sống xã hội đang đổi thay từng ngày.
Chủ tịch Công đoàn Cao-su Việt Nam Phan Mạnh Hùng cho biết: “Phát huy truyền thống “Phú Riềng đỏ”, trong giai đoạn mới, chúng tôi xây dựng những kế hoạch cụ thể. Thứ nhất, nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân cao-su, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay. Thứ hai, tổ chức phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước để tổ chức sản xuất, chăm lo đời sống công nhân ngày càng khá hơn. Thứ ba, làm tốt hơn chức năng đại diện, bảo vệ quyền và các lợi ích hợp pháp của người lao động tại các doanh nghiệp. Đồng hành doanh nghiệp và công nhân, trong đó công nhân là chủ thể tạo ra doanh thu, lợi nhuận để xây dựng tập đoàn phát triển”.
Nỗ lực hoàn thành “mục tiêu kép”
Năm 2021 là dấu mốc quan trọng trong giai đoạn mới (giai đoạn 5 năm 2021 - 2025) với mục tiêu phát triển bền vững trên cơ sở ba trụ cột bằng sự quyết tâm chính trị cao và tư duy sáng tạo. Phấn đấu tăng trưởng các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách bình quân từ 3-5%/năm, riêng thu nhập người lao động phấn đấu tăng ít nhất 5%/năm.
Tuy nhiên, đây cũng là năm thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Trung ương cũng như cả hệ thống chính trị từ công ty mẹ - tập đoàn đến các đơn vị thành viên, đã phối hợp, kết hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, các địa phương, đoàn kết, thống nhất triển khai nghiêm túc, quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa nỗ lực thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, tiếp tục bảo đảm việc làm, đời sống cho hơn 80.000 lao động toàn tập đoàn.
Hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ, VRG đã thành lập Quỹ hỗ trợ, phòng, chống dịch Covid-19 nhằm chung tay đẩy lùi dịch bệnh, cùng nhau tái thiết, ổn định cuộc sống. Không chỉ thế, VRG còn ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 của quốc gia 200 tỷ đồng; cùng hàng trăm triệu đồng ủng hộ cho các tỉnh và TP Hồ Chí Minh, các địa phương tại nước bạn Campuchia, Lào.
Chủ tịch Hội đồng quản trị VRG Trần Ngọc Thuận cho biết: “Chúng tôi có thể khẳng định “mục tiêu kép” đặt ra từ đầu năm đã cơ bản hoàn thành tốt, thậm chí có nhiều đơn vị hoàn thành rất tốt. Đặc biệt, chủ trương tập đoàn là quyết tâm cao nhất, triển khai các giải pháp để lao động ngành cao-su và người nhà được tiêm vắc-xin càng sớm càng tốt, ngay trong năm 2021. Kết quả đến nay, nhiều đơn vị tập đoàn đã tiêm vắc-xin cho người lao động đạt 100%. Những tháng còn lại, dịch còn diễn biến phức tạp, tập đoàn vẫn quyết tâm hoàn thành “mục tiêu kép”, trong đó sức khỏe người lao động được đặt lên hàng đầu. Đồng thời các mục tiêu kinh tế cũng phải đạt kết quả cao nhất để bảo đảm vấn đề việc làm và thu nhập cho người lao động. Dù khó khăn còn nhiều, nhưng chúng tôi tin tưởng với truyền thống ngành cao-su Việt Nam, với sự gắn bó, đoàn kết, chắc chắn tập đoàn sẽ hoàn thành “mục tiêu kép” năm 2021”.