TS Khuất Việt Hùng: “Nhiều người gây tai nạn nói uống xong thấy tỉnh táo, tự tin lái xe”

NDO -

NDĐT - “Khảo sát nạn nhân đi xe máy say rượu gây tai nạn giao thông, kết quả có 42% nạn nhân trả lời uống xong thấy tỉnh táo và tự tin lái xe", TS Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia đưa ra dẫn chứng cảnh báo tại lễ sơ kết hoạt động “Uống có trách nhiệm và ATGT” chiều 9-5.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chương trình "Uống có trách nhiệm" và "An toàn giao thông 2019".
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chương trình "Uống có trách nhiệm" và "An toàn giao thông 2019".

Chương trình phối hợp này trong năm 2019 sẽ tiếp tục được Ủy ban ATGT quốc gia, Hiệp hội các doanh nghiệp rượu châu Á-Thái Bình Dương (APIWSA) và Diễn đàn Uống có trách nhiệm Việt Nam (VARD) thực hiện.

Chương trình được xây dựng nhằm đào tạo nâng cao hiệu quả công tác thực thi các quy định của pháp luật liên quan nồng độ cồn và nâng cao nhận thức “Đã uống rượu bia - Không lái xe” đối với người điều khiển cơ giới đường bộ; nâng cao nhận thức về uống có trách nhiệm tại cộng đồng hay học sinh sinh viên về tác hại của sử dụng đồ uống có cồn khi chưa đủ tuổi và hậu quả của việc lái xe khi uống rượu bia nhằm thay đổi hành vi; chia sẻ kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của việc lạm dụng rượu bia đến hành vi điều khiển xe máy; nâng cao chất lượng kiểm soát xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với xe vận tải thương mại.

Theo TS Khuất Việt Hùng, dư luận xã hội vừa qua đã có nhiều ý kiến lên án gay gắt về hành vi lái xe vi phạm uống nồng độ cồn gây tai nạn giao thông. Thậm chí, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến sửa đổi đưa vào Nghị quyết về lái xe sử dụng ma túy, nồng độ cồn, trong đó có các chế tài mà chưa sửa Luật sẽ đưa vào.

Ông Hùng cũng đánh giá cao APISAW và VARD thể hiện rõ trách nhiệm và phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện những giải pháp kéo giảm nồng độ cồn; hỗ trợ, tập huấn cán bộ chiến sĩ Cảnh sát giao thông địa phương về tuần tra kiểm soát nồng độ cồn; phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam vận động giới đàn ông đã uống rượu bia không lái xe (tỷ lệ nam giới Việt Nam có khoảng 87% sử dụng rượu bia, trong khi tỷ lệ nữ giới sử dụng rượu bia là tương đối ít).

Ngoài việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của rượu bia và việc uống có trách nhiệm, đại diện cơ quan Nhà nước và một số Hiệp hội cho rằng sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của lực lượng Cảnh sát giao thông và các tổ chức chính trị, đoàn thể đã góp phần cải thiện tình trạng lạm dụng đồ uống có cồn khi lái xe.

Ông Paul Auriol, đồng Chủ tịch VARD cho rằng, những chương trình của đơn vị chú trọng về việc giáo dục và nâng cao nhận thức về văn hóa uống có trách nhiệm và giảm thiểu tình trạng lạm dụng đồ uống có cồn, uống rượu, bia khi chưa đủ tuổi, uống rượu bia khi lái xe đồng thời đẩy mạnh thực hiện các quy tắc ngành trong hoạt động thương mại và tiếp thị của các doanh nghiệp.

“VARD cũng triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các mục tiêu của Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020 của Chính phủ và các văn bản liên quan khác", ông Paul Auriol nhấn mạnh.

Đồng tình quan điểm này, ông Jonathan Chew, Phó Giám đốc Đối ngoại, Bền vững và Trách nhiệm xã hội APIWSA cho rằng, để ngăn chặn và giảm thiểu các vụ tai nạn do uống rượu, bia khi lái xe, cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng khung pháp lý toàn diện bao gồm các quy định nghiêm ngặt về hình thức xử phạt, đồng thời tổ chức thường xuyên, đồng bộ các đợt kiểm tra xử lý vi phạm nồng độ cồn để người tham gia giao thông có thể nhận thức được các hình phạt và từ đó không muốn, thậm chí không dám thực hiện hành vi vô trách nhiệm này.

Bên cạnh đó, APIWSA cũng cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực sáng tạo và thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, đảm bảo sức khỏe và an toàn cho cộng đồng, giảm thiểu tác hại của những hành vi lạm dụng đồ uống có cồn.