Phát động “Thập kỷ hành động về an toàn giao thông đường bộ”

NDO - NDĐT - Ngày 11-5, tại Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia Việt Nam phát động “Thập kỷ hành động về an toàn giao thông đường bộ 2011-2020” hưởng ứng Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ về “Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ toàn cầu”.

Mục tiêu chung của Thập kỷ hành động là ổn định và giảm tỷ lệ tử vong về tai nạn giao thông trên thế giới vào năm 2020, thông qua xây dựng và thực hiện các chiến lược, chương trình về an toàn giao thông; tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng thu thập dữ liệu quốc gia, khu vực và toàn cầu...

Các quốc gia tiến hành hoạt động theo năm trụ cột: quản lý an toàn giao thông, đường an toàn và lưu thông an toàn, phương tiện giao thông an toàn, người tham gia giao thông an toàn và ứng phó sau tai nạn.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Lễ phát động này là hành động khởi đầu, thể hiện quyết tâm của nước ta trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ để duy trì sự ổn định và phát triển bền vững. Chương trình này sẽ đánh dấu một bước ngoặt to lớn trong công tác bảo đảm trật tự ATGT, đặc biệt là tác động lan toả, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của mọi người dân.

Cũng tại buổi lễ, Bộ trưởng GTVT - Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia Hồ Nghĩa Dũng cho biết, ở nước ta, TNGT tăng liên tục trong nhiều năm, chỉ bắt đầu từ năm 2003 trở lại đây mới có xu hướng giảm tuy nhiên chưa thực sự bền vững.

Để chương trình của LHQ đi vào thực chất, Bộ GTVT xây dựng “Chiến lược bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ Quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030 của Việt Nam”. Đây là một nội dung quan trọng liên quan công tác quản lý và là một trong năm trụ cột mà LHQ đã hướng dẫn để trình Thủ tướng ban hành trong năm nay.

Trên cơ sở đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương… sẽ tiếp tục triển khai các chính sách và giải pháp ở cấp quốc gia và địa phương, hướng tới mọi đối tượng như: các cơ quan quản lý; người tham gia giao thông và mọi người dân; kết cấu hạ tầng và phương tiện; vấn đề ứng phó với tai nạn để kiềm chế và giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ; xây dựng và củng cố văn hóa giao thông; củng cố nền tảng kỷ cương giao thông bền vững và lâu dài.

Tại lễ phát động, một số đơn vị đã cam kết đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tham gia bảo đảm ATGT, khắc phục các điểm đen trên hệ thống quốc lộ, xây dựng biện pháp bảo đảm ATGT trên các đèo dốc nguy hiểm, tổ chức thanh tra và kiểm tra thường xuyên và đột xuất công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trên toàn quốc, xây dựng văn hoá giao thông của thanh thiếu nhi khi tham gia giao thông…