Giảm tốc độ qua trường học để bảo vệ học sinh

Theo khảo sát của Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP), mỗi năm, nước ta có khoảng 1.900 trẻ em bị thiệt mạng do tai nạn giao thông. Tai nạn giao thông cũng là nguyên nhân đứng thứ 2 gây ra tử vong ở trẻ em. Để hạn chế tai nạn cho trẻ em, Quỹ AIP phối hợp triển khai thí điểm dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” tại 6 địa phương trên cả nước, trong đó có Gia Lai.
0:00 / 0:00
0:00
Thông qua việc triển khai dự án “Giảm tốc độ - Trường học an toàn” tại TP Pleiku (Gia Lai), ý thức của người tham gia giao thông cũng như phụ huynh và học sinh đã thay đổi rõ rệt.
Thông qua việc triển khai dự án “Giảm tốc độ - Trường học an toàn” tại TP Pleiku (Gia Lai), ý thức của người tham gia giao thông cũng như phụ huynh và học sinh đã thay đổi rõ rệt.

Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” triển khai tại thành phố Pleiku (Gia Lai) gần 5 năm qua đã có cải thiện tích cực, môi trường, văn hóa giao thông, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông cũng như cha mẹ học sinh, học sinh nâng lên rõ rệt.

Đầu tư thấp, hiệu quả cao

Phó Tổng Giám đốc điều hành Quỹ AIP Hoàng Na Hương cho biết: Trong số các vụ tai nạn giao thông đường bộ, vi phạm tốc độ chiếm khoảng 6%, việc giảm tốc độ ở mức độ thấp cũng có thể giảm nguy cơ chấn thương và tử vong do tai nạn. Một người đi bộ có 90% khả năng sống sót khi va chạm với ô-tô di chuyển với vận tốc 30km/giờ hoặc thấp hơn, nhưng nếu với vận tốc 60km/giờ, nguy cơ tử vong có thể đến 90%. Tuy nhiên, các biện pháp bảo vệ và quy định pháp lý nhằm giải quyết vấn đề vẫn còn nhiều bất cập, tuy bắt buộc hạn chế tốc độ phương tiện khi qua khu vực trường học, nhưng lại không quy định cụ thể tốc độ tối đa là bao nhiêu. Mối lo ngại của người dân địa phương về vấn đề an toàn khu vực trường học là đòi hỏi chính đáng, cần giải quyết triệt để.

Từ tháng 4/2018 đến tháng 6/2020, Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai và Quỹ AIP đã phối hợp triển khai dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” giai đoạn 1 tại Trường tiểu học Nguyễn Lương Bằng (đường Lê Duẩn) và Trường tiểu học Phan Đăng Lưu (đường Tôn Đức Thắng), nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông qua việc cải tạo hạ tầng đường bộ khu vực trường học; tuyên truyền nâng cao nhận thức của học sinh, các bậc cha mẹ và cộng đồng; làm vạch sang đường, gờ giảm tốc, sơn chữ “Đi chậm” trên mặt đường, áp dụng tốc độ quy định tối đa qua khu vực trường học (30-40km/giờ vào khung giờ cao điểm), lắp đặt biển báo tốc độ mới,…

Kết thúc giai đoạn 1, tỉnh đã ban hành quy định chung về biển báo tốc độ tối đa qua khu vực trường học trên địa bàn thành phố Pleiku, xác định tốc độ tối đa cụ thể qua khu vực trường học giờ cao điểm để người lái xe giảm tốc độ. Trong đó, khu vực trường học đường đôi, có dải phân cách, cho phép tốc độ tối đa 40km/giờ; đường hai chiều, không có dải phân cách 30km/giờ, giảm 20km/giờ so với trước.

Giai đoạn 2 của dự án triển khai từ tháng 7/2020 đến 3/2022 tại 29 trường tiểu học ở thành phố Pleiku và Trường tiểu học Ia Nhin (huyện Chư Păh) nhằm nâng cao ý thức của học sinh và cộng đồng, xây dựng định nghĩa “Khu vực trường học an toàn” cho thành phố Pleiku, tổng kinh phí thực hiện qua các giai đoạn chưa tới 12 tỷ đồng. Dự án tiếp tục chú trọng giảm tỷ lệ thương vong của học sinh thông qua việc lắp đặt và xây dựng mới vạch kẻ sang đường dành cho người đi bộ, vỉa hè, lan can inox để tách lối đi bộ và khu vực đậu xe cho cha mẹ học sinh cũng như các biển báo giới hạn tốc độ mới và khu vực trường học, xây dựng định nghĩa “Khu vực trường học an toàn” cho thành phố Pleiku.

Cuối năm 2021, dự án đã cải tạo hạ tầng đường bộ qua khu vực trường học trong phạm vi 500m khu vực trước cổng trường như: Cải tạo, mở rộng, xây dựng mới gần 880m2 mặt đường bê-tông nhựa, bê-tông xi-măng; xây dựng mới gần 2.100m2 hè đường, lối vào, sân bê-tông xi-măng; đặt 149 biển báo hiệu đường bộ, lắp đặt 16 bộ đèn chớp vàng năng lượng mặt trời, sơn kẻ đường, vạch giảm tốc, vạch đi bộ, lan can,... Để nâng cao nhận thức cho phụ huynh, học sinh khi đưa con đến trường, dự án thực hiện các chiến dịch tuyên truyền về hành vi giảm tốc độ qua khu vực trường học. Từ tác động của dự án đem lại, Gia Lai trở thành địa phương duy nhất trên cả nước ban hành quy định về áp dụng tốc độ tối đa cho phép qua khu vực trường học trên địa bàn thành phố Pleiku.

Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi

Trước đây, vào giờ tan trường, khu vực cổng Trường tiểu học Nguyễn Lương Bằng lúc nào cũng chật cứng phương tiện của cha mẹ học sinh chờ đón con. Đường Lê Duẩn cũng đồng thời là trục quốc lộ 19, lưu lượng xe qua lại rất lớn cho nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao. Khi triển khai dự án, hạ tầng giao thông trước cổng trường được cải tạo bài bản, lắp đặt biển báo giao thông hợp lý, các cơ quan chức năng thường xuyên giám sát việc chấp hành quy định về tốc độ. Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Lương Bằng Mai Thị Sáu đánh giá, kết quả dễ thấy nhất là ý thức của người tham gia giao thông nhất là cha mẹ học sinh và học sinh đã thay đổi rõ rệt, tạo ra khu vực an toàn về giao thông trước trường học, tránh gây ùn tắc cục bộ, giảm thiểu tai nạn giao thông hiệu quả.

Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai nhận định, khi giai đoạn 2 của dự án triển khai tại 32 trường tiểu học trên địa bàn thành phố Pleiku và huyện Chư Păh, vẫn hướng đến cải tạo hạ tầng, nâng cao nhận thức để giảm thiểu rủi ro tai nạn giao thông cho học sinh tiểu học. Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai Phan Hữu Hiếu cho biết, trong khuôn khổ dự án, Ban An toàn giao thông tỉnh đã đề xuất giải pháp cho 7 trường tiểu học trong 29 trường được cải tạo hạ tầng giao thông; khuyến nghị về lâu dài nên đầu tư cải tạo, nâng cấp hoàn chỉnh nền mặt đường, hệ thống thoát nước và an toàn giao thông các tuyến đường chính; đồng thời có các giải pháp xử lý ùn tắc vào giờ cao điểm trước một số cổng trường.

Hướng về mục tiêu “Thành phố Pleiku xanh”, tỉnh kêu gọi chính quyền cơ sở, các trường học khuyến khích học sinh sử dụng xe đạp hoặc đi bộ tới trường cũng như cân nhắc các biện pháp an toàn của học sinh khi đi lại trong điều kiện địa bàn đồi dốc. Quỹ AIP đã tiến hành khảo sát kiến thức, thái độ và hành vi của cha mẹ học sinh về tốc độ khu vực trường học, hầu hết đều nhận thức được tầm quan trọng của việc giảm tốc độ; hơn 90% cha mẹ học sinh được khảo sát đồng tình việc quy định giảm tốc độ khi qua khu vực trường học là phù hợp. Sự quan tâm và hưởng ứng của cộng đồng đối với vấn đề giảm tốc độ nhằm nâng cao an toàn cho học sinh là tâm điểm chú ý của người dân thành phố Pleiku.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đoàn Hữu Dũng khẳng định: Đây là mô hình kiểu mẫu, hướng tới việc đưa thành phố Pleiku là thành phố vì sức khỏe, vì an toàn cho trẻ em thông qua những thay đổi tích cực về môi trường, văn hóa giao thông. Để dự án đạt hiệu quả cao hơn, các nhà trường cần chủ động phối hợp giải tỏa hàng quán lấn chiếm vỉa hè gần cổng trường; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ luật giao thông; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về tốc độ.

Trong thời gian tới, cơ quan quản lý của tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn tỉnh. Lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, hiệu quả thực tế của dự án đã chứng minh, thành phố Pleiku hoàn toàn có thể trở thành một thành phố kiểu mẫu về khu vực trường học an toàn ở nước ta, cũng như mô hình có thể nhân rộng không chỉ trên phạm vi cả nước mà còn lan tỏa ra khu vực Đông Nam Á.

Vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai và thành phố Pleiku đã được nhận Giải thưởng quốc tế Tầm nhìn không thương vong cho thanh, thiếu niên 2022 do Quỹ AIP trao tại Hà Nội. Giải thưởng này nhằm công nhận việc thực thi các giải pháp an toàn giao thông đường bộ tiêu biểu làm hình mẫu cho các thành phố khác thực hiện theo. Đồng thời, đây cũng là bước đi táo bạo để giảm thiểu tử vong do tai nạn giao thông ở trẻ em và thanh, thiếu niên trong cộng đồng.