Trong tuần qua, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm - lần tăng lãi suất mạnh thứ ba liên tiếp.
Trước đó, các ngân hàng trung ương của nhiều nước, trong đó có Indonesia, Na Uy, Phillipines, Nam Phi, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Anh cũng đồng loạt thông báo về việc tăng lãi suất.
Nhiều ý kiến quan ngại việc tăng lãi suất trên diện rộng, song thiếu sự phối hợp và tính toán các tác động tới nhu cầu toàn cầu có thể dẫn tới các tổn hại không đáng có đối với nền kinh tế thế giới.
Theo WB, việc ngân hàng trung ương các nước đưa ra các biện pháp riêng rẽ nhằm kiểm soát lạm phát trong nước một cách hiệu quả là điều cần thiết, song khả năng cao cũng sẽ đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào cuộc suy thoái sâu hơn.
Do đó, các nước cần tham khảo cách thức các nền kinh tế tiên tiến đã cùng hạ giá đồng USD vào giai đoạn 1985-1987 để có thể đưa ra sự phối hợp nhằm giảm thiểu các rủi ro cho nền kinh tế thế giới.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng FED là cơ quan đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy tăng lãi suất trên quy mô toàn cầu.
Vì vậy, FED cần xem xét nghiêm túc tác động của các chu kỳ tăng lãi suất tại Mỹ đối với phần còn lại của thế giới.
Giới phân tích nhận định FED đang ở trong tình thế "tiến thoái lưỡng nan" giữa kiểm soát lạm phát và duy trì đà tăng trưởng, cho thấy những thách thức mà nền kinh tế Mỹ đang phải đối mặt.
Kiểm soát lạm phát đã trở thành mục tiêu chính sách hàng đầu của Mỹ trong giai đoạn hiện nay, và lộ trình của FED cho thấy việc tăng lãi suất có thể sẽ không sớm dừng lại.