Chiều 22/9, các ngân hàng trung ương Philippines và Indonesia đồng loạt tăng lãi suất 50 điểm cơ bản, đưa lãi suất cơ bản lên 4,25%. Theo đó, lãi suất cơ bản của Philippines hiện đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2019.
Trong khi đó, đây là tháng thứ 2 liên tiếp, Ngân hàng Trung ương Indonesia tăng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát và bình ổn đồng nội tệ - điều nằm ngoài dự báo của phần lớn các chuyên gia phân tích.
Tại châu Âu, các ngân hàng trung ương Na Uy và Thụy Sĩ cũng có bước đi tương tự. Ngân hàng Trung ương Na Uy thông báo tăng lãi suất từ 1,75% lên 2,25%.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) thông báo điều chỉnh tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lên mức 2,5%. SNB khẳng định việc tăng lãi suất là cần thiết để đối phó với sức ép lạm phát gia tăng. Dự kiến, mức lãi suất mới này của Thụy Sĩ sẽ có hiệu lực từ ngày 23/9.
Trong thông báo quyết định tăng lãi suất, SNB nêu rõ không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới để bình ổn giá trung hạn.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã tăng lãi suất thêm 0,5 điểm % lên 2,25%, với quan điểm cần phải thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ hơn nữa để kiểm soát lạm phát.
Với quyết định này, lãi suất chuẩn của BoE lên mức cao nhất kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tuy nhiên, mức tăng của BoE được đánh giá vẫn "nhẹ tay" hơn so với động thái mới đây của ngân hàng trung ương một số nước châu Âu và Mỹ.
Trước đó, rạng sáng 22/9 (giờ Việt Nam), FED đã công bố thêm một đợt tăng lãi suất mạnh nhằm hạ nhiệt lạm phát, hiện ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua. Theo đó, lãi suất cho vay cơ bản của FED được điều chỉnh tăng thêm 0,75 điểm %, dao động trong biên độ từ 3,0-3,25%.
Các quan chức FED cho rằng việc tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát tiếp tục leo thang, gây tổn hại đến người lao động và doanh nghiệp. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rủi ro suy thoái theo đó đang gia tăng.
Mức trần lãi suất cao hơn của FED chắc chắn sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn quan tâm đến đồng USD và điều này sẽ gây bất lợi cho các đồng tiền khác.
Do vậy, tính hiệu quả của các biện pháp tăng lãi suất để giảm sức ép lạm phát, qua đó tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng kinh tế vẫn là vấn đề nghi ngại.