Nuôi cá tầm “lồng trong ao đất”

Tỉnh Lâm Đồng có điều kiện tự nhiên thuận lợi, phù hợp phát triển nuôi cá tầm thương phẩm.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình nuôi cá tầm “lồng trong ao đất” là hướng đi nhiều triển vọng ở Lâm Đồng.
Mô hình nuôi cá tầm “lồng trong ao đất” là hướng đi nhiều triển vọng ở Lâm Đồng.

Khoảng 15 năm qua, tại tỉnh cao nguyên này đã triển khai nuôi cá tầm chủ yếu theo các hình thức như nuôi nước chảy trong bể xi-măng, lồng trên hồ chứa, nuôi nước chảy trong ao lót bạt... Gần đây, mô hình nuôi cá tầm “lồng trong ao đất” được triển khai và mang lại kết quả khả quan.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, vùng nhiệt độ có thể nuôi cá tầm có phạm vi khá lớn, ước tính hơn 60% diện tích của tỉnh và phân bổ ở các huyện: Lạc Dương, Đam Rông, Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm và thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc. Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Thùy, Giám đốc Trung tâm quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Trung (đóng tại huyện Đức Trọng), hiện cá tầm thương phẩm của Lâm Đồng chiếm hơn 60% sản lượng cá tầm của cả nước.

Tuy nhiên, việc nuôi cá tầm hiện nay đang đứng trước nhiều khó khăn, như nguồn nước ở các sông, suối đầu nguồn cung cấp cho nuôi cá tầm thuận lợi về giao thông được tận dụng gần hết; các hồ chứa cũng hạn chế về quy mô, do sức tải môi trường. “Chúng tôi nhận thấy, các hồ chứa nhỏ, các ao đất rất phù hợp về nguồn nước, nhiệt độ để nuôi cá tầm, nhưng chưa được khai thác. Vì vậy, chúng tôi đã xây dựng đề tài nghiên cứu “Ứng dụng công nghệ nuôi cá tầm thương phẩm “lồng trong ao đất” và đạt kết quả khả quan”, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thùy cho biết.

Trung tâm xây dựng hai mô hình với công nghệ “lồng trong ao đất”. Mỗi khu ao nuôi có diện tích khoảng 1.500m2 và lồng được thiết kế với tỷ lệ khoảng 10% diện tích mỗi ao, mực nước trong ao luôn duy trì ở độ sâu 1,7m. Lồng nuôi dạng này được thiết kế đơn giản, với hệ thống khung sắt và lưới nhựa, đáy lồng cách đáy ao từ 20 đến 30cm.

Để bảo đảm môi trường cho cá sinh trưởng tốt, Trung tâm tổ chức lắp đặt hệ thống quạt nước để bổ sung ô-xi. Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Thùy, cá tầm có tập tính đào bới nền đáy để tìm thức ăn nên không thể nuôi trong ao đất, bởi nước đục cá sẽ chết. Còn những hình thức nuôi nêu trên thì chi phí lớn, hàm lượng ô-xi trong ao nước tĩnh thấp nên không hiệu quả. Việc ứng dụng công nghệ “lồng trong ao đất” có thể khắc phục được những bất lợi này.

Phó Giám đốc Trung tâm quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Trung Lê Văn Diệu cho biết, giống cá nuôi thử nghiệm là cá tầm Xi-bê-ri (Acipenser baerii), với mật độ từ 10 đến 13 con/m2, tương đương hình thức nuôi nước chảy truyền thống. Mỗi con cá giống khoảng 50g, sau 3 tháng chăm sóc cá phát triển tốt, đồng đều và đạt trên 350g/con.

Tỷ lệ cá sống ở mô hình này hiện đạt hơn 90%. Mô hình “lồng trong ao đất” rất thuận lợi cho công tác quản lý, kiểm soát môi trường, phân cỡ cá và xử lý bệnh. Đặc biệt, ít phải thay nước nên chủ động nguồn nước; mô hình cũng giúp cách ly bệnh dịch, thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế triệt để việc xói mòn đất, ô nhiễm nước.

Việc thu hoạch cá thương phẩm được chủ động theo nhu cầu của thị trường. “Với mô hình này, chúng ta tận dụng tối đa diện tích mặt nước nuôi cá truyền thống kém hiệu quả. Nhất là cơ hội lớn cho người dân chuyển đổi vật nuôi thủy sản giá trị thấp sang cá tầm giá trị cao, góp phần tăng hiệu quả kinh tế”, ông Lê Văn Diệu chia sẻ.

Theo phân tích và so sánh, như nuôi cá trắm cỏ, thời gian nuôi đến khi thu hoạch phải mất 2 năm, trên diện tích 1.000m2 cho sản lượng khoảng 1 đến 1,5 tấn; với giá bình quân từ 60 đến 70 nghìn đồng/kg, đạt doanh thu khoảng 100 triệu đồng. Trong khi nuôi cá tầm trên cùng diện tích, sản lượng đạt khoảng 1,5 tấn và mang lại doanh thu đến 300 triệu đồng.

Lâm Đồng hiện có hơn 25 trang trại và 35 hộ nuôi cá tầm với diện tích khoảng 50ha. Các hình thức nuôi phổ biến là xây bể xi-măng, sử dụng bể composite, đào ao lót bạt hoặc nuôi lồng bè. Địa phương phấn đấu, đến năm 2025, diện tích nuôi cá nước lạnh của tỉnh tăng lên 55ha, sản lượng hơn 2.500 tấn.

Nhiều chuyên gia đánh giá, mô hình nuôi cá tầm “lồng trong ao đất” là hướng đi nhiều triển vọng, giúp người chăn nuôi khắc phục được các yếu tố bất lợi về nguồn nước, môi trường và chi phí đầu tư. Việc tiếp cận công nghệ đơn giản, nhưng bảo đảm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và được áp dụng cho nuôi thủy sản ngoài trời.