NOAA: Thế giới sắp xảy ra sự kiện tẩy trắng san hô hàng loạt lần thứ tư

NDO - Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết, thế giới đang đứng trước hiện tượng tẩy trắng san hô hàng loạt lần thứ tư, có thể khiến nhiều rạn san hô nhiệt đới chết, trong đó có cả các phần của Rạn san hô Great Barrier ở Australia.
0:00 / 0:00
0:00
Một rạn san hô khỏe mạnh nằm dưới Cảng Miami, Flordia, Mỹ, bất chấp nhiệt độ cực cao vào ngày 14/7/2023. Ảnh: Reuters
Một rạn san hô khỏe mạnh nằm dưới Cảng Miami, Flordia, Mỹ, bất chấp nhiệt độ cực cao vào ngày 14/7/2023. Ảnh: Reuters

Sau nhiều tháng nhiệt độ đại dương tăng kỷ lục do biến đổi khí hậu và hiện tượng khí hậu El Nino gây ra, các nhà sinh học biển đang trong tình trạng cảnh giác cao độ trước hiện tượng tẩy trắng san hô sắp diễn ra. Các đợt tẩy trắng hàng loạt trước đó là vào năm 1998, 2010 và 2014-2017.

Nhà sinh thái học Derek Manzello, điều phối viên của Cơ quan theo dõi rạn san hô của NOAA, cơ quan giám sát toàn cầu về nguy cơ tẩy trắng san hô, cho biết: “Có vẻ như san hô toàn bộ Nam bán cầu có thể sẽ bị tẩy trắng trong năm nay”.

Ông nói: “Theo đúng nghĩa đen, chúng ta đang "ngồi trên đỉnh" của sự kiện tẩy trắng san hô tồi tệ nhất trong lịch sử hành tinh”.

Những chi tiết này chưa từng được báo cáo trước đây.

Bị kích thích bởi áp lực nhiệt, hiện tượng tẩy trắng san hô xảy ra khi san hô "trục xuất" các loại tảo đầy màu sắc sống trong mô của chúng. Nếu không có những loại tảo hữu ích này, san hô sẽ trở nên nhợt nhạt, dễ bị đói và bệnh tật.

Tẩy trắng san hô có thể tàn phá hệ sinh thái đại dương, cũng như các nền kinh tế dựa vào nghề cá và du lịch vốn phụ thuộc vào các rạn san hô khỏe mạnh, đầy màu sắc để thu hút thợ lặn và người lặn bằng ống thở.

NOAA: Thế giới sắp xảy ra sự kiện tẩy trắng san hô hàng loạt lần thứ tư ảnh 1

Thợ lặn chuyên nghiệp và nhà bảo tồn rạn san hô Luis Muino tìm thấy một mảnh san hô ở bãi biển Playa Coral, Cuba ngày 29/4/2022. Ảnh: Reuters

Dấu hiệu đáng lo ngại

Sự kiện tẩy trắng san hô hàng loạt toàn cầu gần đây nhất diễn ra từ năm 2014 đến năm 2017, trong thời gian đó Rạn san hô Great Barrier đã mất gần 1/3 số san hô. Kết quả sơ bộ cho thấy khoảng 15% rạn san hô trên thế giới đã chứng kiến ​​cái chết của san hô trong sự kiện này.

Theo quan sát của các nhà khoa học, những dấu hiệu xuất hiện trong năm nay có vẻ còn tồi tệ hơn.

Sau mùa hè ở Bắc bán cầu năm ngoái, vùng Caribe đã ghi nhận tình trạng tẩy trắng san hô tồi tệ nhất.

Bây giờ đã là cuối mùa hè, “Về cơ bản Nam bán cầu san hô đang tẩy trắng khắp nơi”, Tiến sĩ Manzello nói. "Toàn bộ rạn san hô Great Barrier đang bị tẩy trắng. Chúng tôi vừa nhận được báo cáo rằng san hô ở Samoa thuộc Mỹ cũng đang bị trong tình trạng như vậy".

Tẩy trắng san hô thường gắn liền với hiện tượng khí hậu El Nino xảy ra tự nhiên khiến nước biển ấm hơn.

Thế giới cũng vừa ghi nhận giai đoạn 12 tháng đầu tiên có nhiệt độ trung bình trên 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Trong một khoảng thời gian dài, nhiệt độ tăng 1,5 độ C được cho là điểm bùng phát dẫn đến tình trạng san hô chết hàng loạt, các nhà khoa học ước tính rằng 90% san hô trên thế giới có thể bị mất.

Cuộc khảo sát hiện trường để đánh giá quy mô tẩy trắng của san hô

NOAA: Thế giới sắp xảy ra sự kiện tẩy trắng san hô hàng loạt lần thứ tư ảnh 2

Cá bơi giữa các rạn san hô ở vùng biển Alor, tỉnh Đông Nusa Tenggara, Indonesia, ngày 6/10/2022. Ảnh: Reuters.

Để một sự kiện được coi là toàn cầu, hiện tượng san hô tẩy trắng trên diện rộng phải xảy ra ở ba lưu vực đại dương - Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Các nhà khoa học đánh giá dữ liệu nhiệt độ mặt nước biển và hình ảnh vệ tinh để xác định xem mật độ các rạn san hô có vượt qua ngưỡng tẩy trắng quan trọng hay không.

Để được đánh giá là sự kiện san hô tẩy trắng hàng loạt toàn cầu, một tỷ lệ phần trăm mật độ rạn san hô nhất định cần bộc lộ mức độ căng thẳng về nhiệt ở mỗi lưu vực đại dương. Tiến sĩ Manzello cho biết chỉ dựa trên định nghĩa đó, “về mặt kỹ thuật, chúng tôi đã ở đó” vào năm 2024.

Tuy nhiên, ông cho biết, NOAA vẫn đang chờ xác nhận cuối cùng từ các nhà khoa học Ấn Độ Dương hoặc những bức ảnh chụp các rạn san hô ở Ấn Độ Dương để cảnh báo cho sự kiện tẩy trắng hàng loạt lần thứ tư.

Tại rạn san hô Great Barrier của Australia - nơi đã chứng kiến ​​sáu đợt tẩy trắng cục bộ kể từ năm 1998 - các nhà khoa học đang tiến hành bay qua rạn san hô để xác định mức độ tẩy trắng.

Bà Joanne Manning, người phát ngôn của Viện Khoa học Hàng hải Australia cho biết, cho đến nay, các cuộc khảo sát trên không đã cho thấy tình trạng tẩy trắng san hô trên diện rộng trên khắp khu vực Keppels và nhóm Capricorn-Bunker.

Bà cho biết: “Các cuộc khảo sát trên không đang tiếp tục vì tình trạng tẩy trắng san hô đã được báo cáo ở tất cả các khu vực của công viên biển, ở mức độ nghiêm trọng khác nhau”, đồng thời cho biết thêm họ nhằm mục đích kết thúc các chuyến bay qua trong những tuần tới và mở rộng sang khảo sát san hô dưới nước.