Các rạn san hô ở tây Ấn Độ Dương có nguy cơ sụp đổ trong 50 năm tới

NDO -

Các rạn san hô ở tây Ấn Độ Dương có nguy cơ tuyệt chủng vào năm 2070 do tác động của sự nóng lên toàn cầu cũng như hoạt động đánh bắt cá quá mức.

Các sự kiện tẩy trắng hàng loạt và các đợt sóng nhiệt đại dương đã xóa sổ 14% diện tích rạn san hô trên Trái đất trong giai đoạn 2009-2018. (Ảnh: Reuters)
Các sự kiện tẩy trắng hàng loạt và các đợt sóng nhiệt đại dương đã xóa sổ 14% diện tích rạn san hô trên Trái đất trong giai đoạn 2009-2018. (Ảnh: Reuters)

Theo một nghiên cứu mới đây, khoảng 12 nghìn km2 rạn san hô trải dài khắp bờ biển phía đông châu Phi và chung quanh Madagascar đang đứng trước viễn cảnh sụp đổ hệ sinh thái, đe dọa sự tồn tại của nhiều loài sinh vật cũng như sinh kế của hơn 1 triệu người làm việc trong ngành đánh bắt cá và du lịch.

Những rạn san hô này chiếm khoảng 5% tổng diện tích rạn san hô của hành tinh.

Ông David Obura, nhà sinh thái biển người Kenya tại Viện nghiên cứu Đại dương (CORDIO) Đông Phi, đồng thời là tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Khi một hệ sinh thái sụp đổ, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy từng loài cá hoặc san hô, nhưng toàn bộ hệ thống hiện không còn hiệu quả trong việc hỗ trợ đa dạng sinh học biển hoặc các cộng đồng phụ thuộc vào nó nữa”.

Được công bố trên tạp chí Nature Sustainability, nghiên cứu chỉ ra rằng sự nóng lên toàn cầu là nguyên nhân chính của quá trình sụp đổ này, đặc biệt là ở các đảo quốc trong khu vực như Seychelles. Trong khi đó, các hành vi đánh bắt cá không bền vững lại là thủ phạm chính gần đất liền.

Theo Mạng lưới Giám sát Rạn san hô toàn cầu, các sự kiện tẩy trắng san hô hàng loạt và các đợt sóng nhiệt đại dương đã xóa sổ 14% diện tích rạn san hô trên Trái đất trong giai đoạn 2009-2018. Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết, các đại dương hấp thụ lượng phát thải khí nhà kính dư thừa, điều này khiến cho bề mặt của chúng nóng thêm trung bình 0,13 độ C mỗi thập kỷ trong 100 năm qua.

Các nhà bảo vệ môi trường đã lên tiếng kêu gọi các chính phủ trên toàn thế giới tăng cường bảo vệ biển, đồng thời bãi bỏ các khoản trợ cấp cho ngành đánh bắt cá mà họ cho rằng đã làm cạn kiệt nguồn cá tự nhiên và đẩy các hệ sinh thái biển đến bờ vực sụp đổ.

Ông Gabriel Grimsditch, chuyên gia về hệ sinh thái biển tại Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đề xuất: “Ngoài việc khẩn trương cắt giảm lượng phát thải carbon, con người có thể thiết kế một mạng lưới các khu bảo tồn biển hiệu quả và công bằng hoặc các khu vực biển do địa phương quản lý để bảo vệ các rạn san hô”.