Quần thể san hô khổng lồ Great Barrier ở Australia dài 2.300km và là một trong tám kỳ quan thiên nhiên của thế giới. Vào năm 2016 và 2017, các đợt nắng nóng do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra đã dẫn đến hiện tượng san hô bị tẩy trắng hàng loạt, làm chết gần một nửa rạn Great Barrier cùng nhiều loài san hô khác trên thế giới. Theo The Conversation, san hô rất nhạy cảm với môi trường nước, chúng sẽ chết nếu nhiệt độ nước thay đổi vượt quá từ 1-2oC so bình thường, hoặc khi độ mặn trong nước giảm. Khi san hô gặp áp lực nhiệt, một số chuyển sang mầu huỳnh quang hoặc mầu trắng hoàn toàn. Hiện tượng này xảy ra do nhiệt độ tăng khiến tảo đơn bào cộng sinh biến mất, các mô san hô sẽ “bay mầu” và để lộ ra mầu trắng của khung xương, hay còn được gọi là san hô bị “tẩy trắng”.
“Thống kê nhanh về rạn san hô: Mùa hè 2021-2022” của ban quản lý Công viên hải dương Great Barrier Reef và Viện Khoa học Biển Australia, được thực hiện từ cuối năm 2021 đến đầu tháng 4/2022 cho thấy, hơn 90% rạn san hô trong diện khảo sát dọc theo Great Barrier đã bị ảnh hưởng do quá trình “tẩy trắng”. Vùng biển khu vực này đã ấm lên từ đầu tháng 12/2021, vượt quá mức nhiệt nóng nhất từng được ghi nhận. Khảo sát ghi nhận, nhiệt độ đại dương tiếp tục tăng cho đến đầu tháng 4 vừa qua, do ba đợt nắng nóng rõ rệt làm gia tăng căng thẳng nhiệt khắp vùng trung tâm và phía bắc rạn san hô Great Barrier. Tiếp xúc với nền nhiệt cao kéo dài đã dẫn đến hiện tượng san hô ở Great Barrier bị “tẩy trắng” hàng loạt và là lần thứ tư xảy ra trong bảy năm gần đây.
Theo nhà nghiên cứu Jon Day thuộc Đại học James Cook (Australia), dải nhiệt do BĐKH khiến hệ thống san hô lớn nhất thế giới bị tổn thương nghiêm trọng. “Sau mỗi đợt sóng nhiệt, vùng biển trở nên âm u, chúng tôi gọi đó là cái chết của biển”, Jon Day nói. Ông đã làm việc tại Công viên hải dương Great Barrier Reef từ năm 1986 đến 2014. Ông cho biết, các sự kiện “tẩy trắng” trong quá khứ có liên quan hiện tượng El Nino. Còn năm nay, do ảnh hưởng của La Nina, nhiệt độ ấm hơn bình thường và có xu hướng mang theo nhiều mây, mưa và bão làm xáo trộn vùng biển, khiến cho san hô chịu sức nóng rõ rệt hơn. Đây là lần thứ tư san hô bị “tẩy trắng” trên diện rộng ở rạn Great Barrier chỉ trong bảy năm qua, cho thấy hiện tượng này đang xảy ra với tần suất cao hơn.
Mặc dù vậy, nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy các chính sách chống BĐKH hiện nay còn thiếu quyết liệt để có thể giải cứu được rạn san hô. Tình trạng Trái đất nóng lên đã đạt đến điểm không thể đảo ngược. Ngày càng nhiều thiên tai, lũ lụt, hạn hán liên tục xuất hiện với tần suất chưa từng có, xô đổ mọi kỷ lục trước đó. Australia đã phải đối mặt “mùa hè đen” 2019-2020, khi những trận cháy rừng lớn không thể dập tắt. Năm nay, lũ lụt lớn và sóng nhiệt ở biển đã phá hủy gần như toàn bộ hệ tảo bẹ khổng lồ ở vùng biển Tasmania…
Trước hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan đe dọa tuyệt chủng loài san hô, Chính phủ Australia hồi đầu năm đã công bố kế hoạch trị giá một tỷ AUD (khoảng 700 triệu USD) dành cho các nỗ lực cứu nguy cho rạn san hô Great Barrier. Gói hỗ trợ sẽ được giải ngân trong chín năm, được đề xuất sử dụng 58% nguồn vốn để xử lý chất lượng nước ở vùng biển rạn san hô sinh trưởng và phát triển; 26% để ngăn chặn đánh bắt bất hợp pháp dẫn đến hủy diệt san hô; 9% cho các công nghệ khoa học mới và 7% được phân bổ cho các cộng đồng địa phương để phục hồi môi trường sống và giảm rác thải ra biển.
Theo đó, các nhà khoa học có thể dùng nguồn tài trợ để tạo ra các khu bảo tồn và lưu trữ mọi chủng loại san hô, cho đến khi khí hậu ổn định đủ để các rạn san hô tự tái tạo.