Khó khăn trong kiểm tra, kiểm soát
Có mặt ở trên tuyến biên giới Lạng Sơn, Quảng Ninh vào những ngày cuối năm, có thể dễ dàng nhận thấy lượng hàng hóa vận chuyển qua tuyến biên giới vào nội địa đã giảm nhiều so với các năm trước. Thời điểm này, nhu cầu sử dụng thực phẩm dần tăng cao, nên một số đối tượng vẫn lén lút vận chuyển nhỏ lẻ các mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc. Mới đây, tại khu vực Cầu Trắng, thuộc khu 5, phường Hải Yên, thành phố Móng Cái, Quảng Ninh, Tổ công tác Đội Cảnh sát kinh tế phối hợp Đội Cảnh sát giao thông-trật tự (Công an thành phố Móng Cái) kiểm tra xe ô-tô tải nhãn hiệu Mazda.
Kết quả kiểm tra phát hiện trên xe có 900 kg xúc-xích đông lạnh mang nhãn mác nước ngoài, không rõ nguồn gốc. Lái xe là Lỷ Văn Sáng, sinh năm 1993, hiện trú tại thôn Lục Chắn, xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái đã không xuất trình được bất kỳ giấy tờ nào liên quan nguồn gốc của lô hàng.
Trước đó, Đội quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh tiến hành khám xe ô-tô do ông Đào Văn Hùng là chủ xe, địa chỉ tại thôn Hải Tiến, xã Quảng Thành, huyện Hải Hà. Qua quá trình khám và xác minh, xác định ông Hùng có hành vi vi phạm kinh doanh hàng hóa nhập lậu là thực phẩm, gồm 1.900 ức vịt xuất xứ Trung Quốc được cấp đông lạnh, tổng giá trị hàng hóa là 133 triệu đồng, Chủ tịch UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt 90 triệu đồng và buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.
Cùng chung tuyến biên giới, ở tỉnh Lạng Sơn, ngay từ trong năm, lực lượng chức năng cũng liên tiếp bắt giữ kịp thời những chuyến hàng để ngăn các thực phẩm độc hại ra thị trường. Điển hình, Đội quản lý thị trường số 6, Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp Đội 2, Phòng Cảnh sát Kinh tế, buôn lậu, tham nhũng và môi trường Công an tỉnh Lạng Sơn tiến hành khám phương tiện vận tải đối với xe ô-tô tải thùng kín, biển số đăng ký ở Hà Nội phát hiện trong xe có cất giấu hai loại hàng hóa thuộc mặt hàng thực phẩm, gồm 1.000 kg chân gà rút xương và 6.000 kg móng giò lợn được bảo quản đông lạnh, không có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ mua bán, giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y; có mùi hôi thối, biến đổi màu sắc và có hiện tượng chảy nước.
Tang vật thu giữ có giá trị gần 200 triệu đồng, cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt 90 triệu đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật.
Những con số thống kê, vụ việc đã được xử lý cho thấy những nỗ lực của các cơ quan chức năng nhưng điều đó cũng khẳng định tình trạng sản xuất, kinh doanh, vận chuyển thực phẩm không bảo đảm vẫn diễn ra tinh vi và phức tạp. Thực tế, ngăn chặn thực phẩm không rõ nguồn gốc là một nhiệm vụ, nhưng cũng đầy thách thức do tính phức tạp và đa dạng của vấn đề này.
Việt Nam có đường biên giới dài với nhiều đường mòn, lối mở, nơi các đối tượng buôn lậu thường xuyên lợi dụng để vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc. Việc tuần tra và kiểm soát toàn diện tại những khu vực này gặp nhiều khó khăn do địa hình hiểm trở và lực lượng chức năng còn hạn chế.
Theo Thượng tá Nguyễn Mạnh Luật-Phó Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế, buôn lậu, tham nhũng và môi trường Công an tỉnh Lạng Sơn, phương thức thủ đoạn của các đối tượng ở nội, ngoại biên thường lợi dụng địa hình đồi núi hiểm trở, đêm tối để vận chuyển, tập kết cất giấu hàng hóa tại các địa điểm vắng vẻ, kho, bãi hoặc nhà dân ở khu vực hai bên biên giới, sau đó phân chia nhỏ lẻ rồi thuê người mang vác hàng hóa xuất, nhập lậu qua các đường mòn biên giới sau đó thu gom để vận chuyển vào địa bàn nội địa hai bên biên giới tiêu thụ.
Ngoài ra, các đối tượng còn lợi dụng hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu để cất giấu, trà trộn trên phương tiện xuất, nhập cảnh để vận chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo Đại tá Tô Văn Đồng - Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh, công tác nắm và trao đổi tình hình giữa các lực lượng phối hợp ở một số địa bàn vào một số thời điểm chưa sâu, nhất là tình hình từ xa, tình hình ngoại biên; đường biên giới dài, vùng biển rộng, địa hình luồng lạch rất phức tạp, gây khó khăn trong việc cơ động lực lượng phối hợp bắt giữ. Ngoài ra, hiện nay ngày càng nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc được rao bán trên các nền tảng trực tuyến. Việc kiểm soát các giao dịch này gặp khó khăn do tính ẩn danh và phạm vi hoạt động rộng.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó Cục trưởng Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn, hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm đối với thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn do hàng hóa quảng cáo, rao bán là hình ảnh được chụp, cắt ghép từ nhiều nguồn, không có cơ sở xác định hình ảnh hàng hóa. Mặt khác, các đối tượng kinh doanh không có địa điểm kinh doanh cố định, hàng hóa không có mặt tại địa điểm kinh doanh mà người bán chỉ đặt hàng từ địa chỉ mua bán khác khi người mua có yêu cầu.
Cùng với đó, nhiều người tiêu dùng vẫn ưu tiên chọn thực phẩm giá rẻ mà không quan tâm đến nguồn gốc và chất lượng. Chính vì những điều đó đã vô tình giúp cho thực phẩm không rõ nguồn gốc tiếp tục có “cơ hội” lưu hành.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Theo đồng chí Nguyễn Cảnh Thắng - Trưởng phòng Chống buôn lậu và xử lý vi phạm, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các đơn vị triển khai đồng bộ các giải pháp về ngăn chặn thực phẩm lậu, không rõ nguồn gốc, Cục tổ chức lực lượng, phân công nhiệm vụ trên nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả”, đặc biệt đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị.
Phó Cục trưởng Hải quan Gia Lai-Kon Tum Hoàng Lương Quang cho biết: Chúng tôi bố trí cán bộ, công chức bám địa bàn để thu thập thông tin, xác định đối tượng trọng điểm, mặt hàng trọng điểm và các vụ việc hiện tượng có khả năng phát sinh đến mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, xác lập xây dựng các hồ sơ nghiệp vụ kiểm soát hải quan.
Trong đó, chú trọng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với các mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc, hàng tiêu dùng, xăng dầu... theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Gia Lai, tỉnh Kon Tum và Tổng cục Hải quan...
Còn đối với lĩnh vực quản lý thị trường, theo đồng chí Nguyễn Đình Hưng, Cục trưởng Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh, đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đối với các mặt hàng thực phẩm: Sữa, đồ uống, bánh kẹo, thực phẩm chế biến, đặc biệt kiểm soát hàng hóa kinh doanh trên môi trường online như sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội, Facebook, TikTok... kiểm tra đột xuất tại một số tuyến, địa bàn trọng điểm; phối hợp tổ công tác về thương mại điện tử rà soát, thu thập thông tin, xác minh, kiểm tra, xử lý vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử.
Theo Thượng tá Trịnh Nguyên Sáng - Trưởng phòng Phòng chống Ma túy và Tội phạm, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn, đơn vị tham mưu cho lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, đồn biên phòng tăng cường công tác quản lý nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, địa bàn, tăng cường quân số, trang bị cho lực lượng trên các hướng địa bàn trọng điểm, thời gian trọng điểm kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật, kiên quyết không để hình thành các điểm “nóng” phức tạp về hàng hóa.
Ở tầm vĩ mô, cơ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm cũng cần rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan an toàn thực phẩm, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc từ khâu sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển đến tiêu thụ. Điều này giúp minh bạch thông tin và tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Thực hiện hợp tác với các cơ quan nước ngoài, đặc biệt là các quốc gia có giao thương thực phẩm với Việt Nam, để kiểm tra chất lượng hàng hóa ngay từ khâu xuất khẩu, nhập khẩu, xây dựng các phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế, trang bị công nghệ tiên tiến để phát hiện nhanh các loại thực phẩm chứa chất cấm, hóa chất độc hại... Các biện pháp lâu dài này không chỉ nhằm ngăn chặn thực phẩm không rõ nguồn gốc mà còn xây dựng một hệ thống quản lý an toàn thực phẩm toàn diện, bền vững.