Vừa qua, cộng đồng chơi pickleball chia sẻ thông tin về một người đàn ông 55 tuổi ở Cầu Giấy, Hà Nội chơi môn thể thao này bất ngờ ngã quỵ và ngất lịm. Theo lãnh đạo Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, khi các bác sĩ đến hiện trường, nạn nhân trong tình trạng ngừng tuần hoàn, phải hồi sức cấp cứu tại chỗ trong khoảng 15-20 phút để tái lập mạch trước khi chuyển vào Bệnh viện E.
Trước đó, vận động viên xe đạp địa hình Đỗ Xuân T đã tử vong ngay trên đường đua giải tiền SEA Games 22 vì trụy tim. Hay như trường hợp đội trưởng Câu lạc bộ hạng nhì Quân khu 4 Trần Nam T bất ngờ ngất lịm, đột quỵ ngay khi tập luyện trên sân bóng…
Chơi thể thao không đúng cách, không phù hợp lứa tuổi có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, thậm chí có thể gây đột quỵ, đe dọa tính mạng.
Cụ thể, trong quá trình tập luyện, chơi các môn thể thao với cường độ cao như tennis, bóng bàn, cầu lông, chạy bộ… thì nhu cầu về máu, oxy và dưỡng chất của tim và não cũng tăng cao khiến nhịp tim, huyết áp thường khó kiểm soát hơn trạng thái bình thường.
Thời điểm này, nếu cơ thể không đáp ứng đủ lượng máu cần thiết thì nguy cơ đột quỵ tăng cao. Ngoài ra, tập thể dục, thể thao quá sức khiến cơ thể mất nước và các chất khoáng cần thiết quá nhiều mà người tập không bổ sung kịp thời cho cơ thể cũng là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ.
Theo Thạc sĩ, Bác sĩ CKII Nguyễn Phương Trung, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Phúc Thọ, Hà Nội, đột quỵ khi chơi thể thao có 2 nhóm chính: Nhóm thứ nhất xảy ra đối với người có sẵn yếu tố nguy cơ hay gặp ở người có dị dạng mạch máu não (phình mạch máu não) hoặc có bệnh lý tiềm tàng về viêm cơ tim, gây ra nhồi máu cơ tim cấp, hoặc xuất huyết não cấp. Người bệnh rất khó biết mình có bệnh vì thông thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thoáng qua khiến người bệnh chủ quan. Tuy nhiên, những trường hợp này rất ít… Nhóm thứ hai là do người chơi thể thao quá gắng sức, đẩy sức chịu đựng vượt cao quá khả năng của mình
Vì vậy, vận động gắng sức không đúng phương pháp có thể là điều kiện thuận lợi gây khởi phát đột quỵ ở những người trẻ có nguy cơ. Thí dụ, ở những người trẻ tuổi có rối loạn yếu tố đông máu, bệnh lý tim mạch, dị dạng mạch máu não… khi tập luyện quá sức có thể gây ra cơn tăng huyết áp cấp tính dẫn tới khởi phát đột quỵ.
Đối với người cao tuổi, do cơ chế điều hòa tuần hoàn não của người cao tuổi kém hơn người bình thường, cộng thêm tập gắng sức có thể gây cơn tăng huyết áp kịch phát và xảy ra đột quỵ, đặc biệt khi thời tiết khắc nghiệt (quá nóng hoặc quá lạnh…), nhất là với những người cao tuổi có sẵn bệnh tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường, tăng mỡ máu, xơ vữa động mạch, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hút thuốc, ít vận động, lối sống không lành mạnh, mất ngủ kéo dài, thường xuyên căng thẳng...
Lời khuyên của bác sĩ trước khi tập luyện bất cứ một môn thể thao nào thì người chơi cũng nên đi khám bác sĩ, nhất là bác sĩ chuyên khoa tim mạch, hô hấp, nội tiết-chuyển hóa để đánh giá tình trạng sức khỏe.
Trường hợp qua thăm khám phát hiện người chơi có tiền sử bệnh lý thì cần điều trị triệt để trước khi tập luyện. Ngược lại, nếu người chơi thể thao không có tiền sử bệnh lý thì cũng giúp các bác sĩ đánh giá đúng tình trạng sức khỏe để từ đó có phương pháp, chế độ tập luyện phù hợp.
Cần chú ý, giai đoạn trong hoặc sau khi chơi thể thao, nếu người chơi có các biểu hiện đột ngột bị đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ngất xỉu, khó thở, đau tức ngực đi kèm các triệu chứng tê bì một bên cánh tay, một bên chân hoặc khuôn mặt. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo về tình trạng đột quỵ của những người tập luyện thể thao và không nên xem nhẹ. Ngoài ra, các triệu chứng thường phức tạp và có thể xuất hiện trong khoảng 24 đến 72 giờ sau khi người chơi bị đột quỵ…
Do vậy, nếu phát hiện người bị đột quỵ khi chơi thể thao, cần thực hiện các biện pháp sơ cứu trong lúc chờ xe cấp cứu như giữ môi trường thông thoáng chung quanh; đặt người bệnh nằm trên một mặt phẳng ở nơi thoáng khí, nới rộng quần áo vùng cổ, ngực nếu người bệnh còn tỉnh táo.
Cần đặt người bệnh ở tư thế nằm nghiêng an toàn nếu có bất cứ dấu hiệu suy giảm ý thức não hoặc nôn mửa. Trường hợp người bệnh không có mạch hoặc ngừng thở có thể tiến hành ép tim ngoài lồng ngực (từ 100 đến 120 lần/phút) đến khi tim đập lại. Tuyệt đối không tự ý điều trị cho bệnh nhân bằng phương pháp bấm huyệt, châm cứu, đánh gió để tránh làm nặng thêm tình trạng bệnh và làm mất thời gian vàng điều trị, không cho bệnh nhân ăn uống hay dùng bất kỳ một loại thuốc gì khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu, nhằm tìm cơ hội điều trị trong “giờ vàng”.
Để phòng tránh tình trạng đột quỵ khi chơi các môn thể thao chúng ta cần khám sức khỏe định kỳ phát hiện và tầm soát các bệnh lý tiềm tàng và yếu tố nguy cơ để có chế độ tập luyện phù hợp với lứa tuổi và tình trạng sức khỏe. Đặc biệt, người chơi thể thao cần chú ý quan sát các chỉ số cơ thể như nhịp tim và huyết áp để bảo đảm an toàn trong quá trình hoạt động. Cần có chế độ ăn uống nghỉ ngơi, vận động hợp lý trước và sau khi chơi thể thao…■