Còn tại Hà Nội, chỉ trong một tuần đã liên tiếp xảy ra hàng loạt các vụ cháy, gây thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Cụ thể, sáng 25/11 đã xảy ra cháy tại quán bar Titan trên phố Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm khiến hàng trăm người phải sơ tán.
Trước đó, vào chiều 23/11 xảy ra cháy tại tầng 2 của ngôi nhà 8 tầng ở số 73 phố Trúc Bạch, quận Ba Ðình. Khi xảy ra cháy, người dân hô hoán đồng thời báo cho lực lượng cứu hỏa và Công an phường Trúc Bạch đã nhanh chóng cứu bảy người, trong đó có một phụ nữ mang thai ra khỏi khu vực cháy.
Cũng liên quan cháy nhà dân, đêm 21/11 xảy ra hai vụ cháy tại căn nhà 84 Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng và tại số nhà 43 Tổ 12, phường Thạch Bàn, quận Long Biên.
Theo nhận định ban đầu, các vụ cháy nêu trên chủ yếu do sự bất cẩn, chủ quan trong sinh hoạt, sử dụng nguồn điện không an toàn cộng với thời tiết hanh khô dẫn đến phát sinh nguồn nhiệt gây cháy.
Hiện đang là mùa hanh khô và cũng là thời điểm cuối năm, các cơ sở kinh doanh, cơ sở sản xuất tăng cường hoạt động để chuẩn bị nguồn hàng cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới, do vậy tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra.
Thống kê của Bộ Công an cho thấy, riêng trong tháng 10/2024, toàn quốc xảy ra 282 vụ cháy làm chết bốn người, tám người bị thương, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính 150,72 tỷ đồng.
Trước tình trạng các vụ cháy liên tiếp xảy ra trong thời gian qua, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, Bộ Công an khuyến cáo các biện pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy tới người dân khi thời tiết bước vào mùa hanh khô như thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện, không tích trữ xăng dầu và các vật dễ cháy trong nhà, bảo đảm an toàn cháy nổ nơi đun nấu, nơi thờ cúng và tắt các thiết bị điện không cần thiết trước khi đi ngủ và trước khi ra khỏi nhà, đồng thời chuẩn bị các dụng cụ, thiết bị phòng cháy, chữa cháy để có thể ứng phó kịp thời khi có hỏa hoạn xảy ra.
Tuy nhiên, bên cạnh những biện pháp phòng cháy, chữa cháy của người dân, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm phòng cháy, chữa cháy, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các cơ sở lưu trú vì đây là những nơi luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy lớn và để lại hậu quả nặng nề về người và tài sản khi xảy ra cháy. Chỉ riêng tại Hà Nội, theo báo cáo của các cơ quan chức năng, sau hai năm triển khai khắc phục các bất cập về phòng cháy, chữa cháy, đến nay mới có 102/2.996 cơ sở hoàn thành việc khắc phục, đạt tỷ lệ 3,4%.