Tăng kết nối cung-cầu lao động dịp cuối năm

Những tháng cuối năm, nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp (DN) tăng cao, thậm chí cả lao động thời vụ, làm việc bán thời gian. Thực tế này đòi hỏi các đơn vị, địa phương cần tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp kết nối, tư vấn, giới thiệu việc làm tới người lao động.
0:00 / 0:00
0:00
Người lao động tìm hiểu thông tin tại Phiên Giao dịch việc làm quận Tây Hồ (Hà Nội) năm 2024. (Ảnh TRẦN OANH)
Người lao động tìm hiểu thông tin tại Phiên Giao dịch việc làm quận Tây Hồ (Hà Nội) năm 2024. (Ảnh TRẦN OANH)

Nhằm phục vụ kế hoạch sản xuất, kinh doanh cuối năm, Công ty TNHH Minh Quốc có nhu cầu tuyển dụng 200 lao động, trong đó, khoảng 50 lao động phổ thông, với thu nhập trung bình 8-10 triệu đồng/tháng. Từ giữa tháng 11 vừa qua, công ty liên tục phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đăng thông báo và trực tiếp đến sàn giao dịch việc làm để tuyển dụng nhân lực.

Tại đây, sau chương trình phỏng vấn nhanh của đội ngũ nhân sự công ty, chị Mai Thị Thanh cùng một nhóm bạn quê Sơn La đáp ứng yêu cầu và được thông báo trúng tuyển làm việc từ đầu tháng 12/2024 với mức lương cơ bản 4,9 triệu đồng, ăn 3 bữa tại công ty; hỗ trợ ký túc xá, xe đưa, đón cho lao động ở xa. Chị Thanh cho biết, nếu như cộng lương tăng ca, thu nhập hằng tháng của người lao động có thể được 7-8 triệu đồng.

Giám đốc Sản xuất Công ty TNHH Thương mại Hồng Lam, chị Trần Thu An cho biết: Công ty đang có nhu cầu tuyển dụng 50 nhân sự phục vụ mục tiêu kế hoạch sản xuất và kinh doanh cuối năm. Trong đó 70% là lao động phổ thông, mức lương 7-10 triệu đồng/tháng. Ngoài việc được đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật, người lao động còn được công ty thưởng hằng quý, thưởng Tết.

Tuy nhiên, do việc tuyển dụng lao động rất khó khăn, thiếu nguồn ứng viên cho nên Công ty TNHH Thương mại Hồng Lam và nhiều DN khác đã tìm đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội để được hỗ trợ kết nối với người lao động. Ngoài ra, các DN còn liên hệ tới các trường trung cấp, cao đẳng và những đơn vị cung ứng nhân lực có trả phí nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn không tuyển đủ lao động theo nhu cầu. “Hiện tại doanh nghiệp đang cố gắng vận động người lao động làm thêm giờ để đáp ứng kế hoạch sản xuất, kinh doanh”, chị An cho biết.

Theo lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong tháng 10, thành phố Hà Nội đã giải quyết việc làm cho hơn 17.500 lao động. Cùng với đó có 1.900 lao động nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn giao dịch việc làm; khoảng 14.300 lao động được giải quyết việc làm qua hình thức xuất khẩu lao động, cung ứng dịch vụ việc làm của các DN và các hình thức khác.

Tại các phiên giao dịch việc làm, nhiều DN tuyển nhiều vị trí với mức lương hấp dẫn với các chỉ tiêu tuyển dụng đa dạng: Công nhân may, công nhân sản xuất nhựa, plastic, công nhân sản xuất điện tử, kinh doanh - marketing, thợ thủ công mỹ nghệ, nhân viên kỹ thuật, lái xe… Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động chưa có việc làm, cũng như người lao động khuyết tật tìm kiếm việc làm phù hợp khả năng, nguyện vọng của bản thân.

Dự báo về bức tranh thị trường lao động Hà Nội thời gian tới, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết, qua đánh giá, phân tích cơ sở dữ liệu và các kênh mà trung tâm thu thập được cho thấy, một số nhóm, lĩnh vực, ngành nghề có xu hướng tuyển dụng tương đối nhiều hơn so với thời gian trước.

Từ nay đến Tết cổ truyền, các DN tăng nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông, lao động thời vụ, làm việc bán thời gian. Những ngành nghề sẽ cần nhiều người lao động làm việc là: Thương mại điện tử, dịch vụ, công nghệ thông tin, công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng, vận tải, logistics.

Với vai trò của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội trong việc thực hiện nhiệm vụ kết nối cung-cầu lao động, nhất là hỗ trợ DN tuyển dụng và người lao động tìm kiếm việc làm, trung tâm căn cứ vào những định hướng phát triển của thị trường lao động, trên cơ sở đó tư vấn cho người lao động; đồng thời tổ chức các phiên giao dịch việc làm để gắn kết DN đang có nhu cầu tuyển dụng với người lao động.

Mặc dù ghi nhận một số tín hiệu tích cực, nhưng thị trường lao động các tháng cuối năm vẫn đang đối mặt nhiều khó khăn và thách thức. Đặc biệt, thị trường chưa có sự cải thiện nhiều về nhu cầu tuyển dụng lao động có chất lượng cao, số lao động phi chính thức làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn. Cùng với đó, nhu cầu tuyển dụng lao động mùa vụ, thời vụ có xu hướng gia tăng, đặc biệt dịp nghỉ lễ, Tết...

Để việc tuyển dụng nhân sự gắn kết với thị trường lao động, các đơn vị liên quan cần rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối việc cung ứng nhân lực.

Cùng với đó, tổ chức thực hiện các biện pháp để giải quyết nhu cầu thiếu nhân lực cục bộ, giảm sự mất cân đối cung-cầu lao động; phát triển các hình thức giao dịch việc làm theo hướng hiện đại trên nền tảng công nghệ số; thu hút lao động tại chỗ, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo thích ứng cho lực lượng lao động đang làm việc. Về lâu dài, cần tiếp tục thực hiện các hoạt động thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu về cung-cầu lao động, kết nối các hoạt động hỗ trợ DN cũng như người lao động phù hợp, nâng cao tỷ lệ kết nối cung-cầu lao động.