Ninh Thuận bàn giải pháp giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công

NDO - Ngày 5/3, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả giải ngân năm 2023 và đề ra các giải pháp đẩy nhanh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Tính đến cuối tháng 1/2024, tổng vốn giải ngân kế hoạch năm 2023 đạt 96,8% kế hoạch (2.896.872/2.991.454 triệu đồng).

Nhiều khó khăn, thách thức

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Thuận Lê Kim Hoàng cho biết, có 26 đơn vị giải ngân hơn 95% kế hoạch và 7 đơn vị giải ngân dưới 95%. Một số dự án có mức vốn bố trí lớn nhưng giải ngân không đạt kế hoạch.

Trong năm 2023, Ninh Thuận triển khai thực hiện 11 công trình chuyển tiếp và 11 công trình khởi công mới (chưa kể các dự án từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia), với tổng vốn 1.985.491 triệu đồng.

Đến cuối năm 2023, có 6 công trình hoàn thành đã phát huy hiệu quả sau đầu tư, tạo năng lực mới tăng thêm,... góp phần bảo đảm an sinh xã hội; 16 công trình chuyển tiếp sang năm 2024 cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra.

Ninh Thuận bàn giải pháp giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công ảnh 1

Dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án thành phố Phan Rang-Tháp Chàm là một trong những dự án đầu tư công có sử dụng vốn nước ngoài tại Ninh Thuận.

Tuy nhiên, công tác giải ngân đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ còn nhiều khó khăn, như: Công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách hằng năm chưa sát với khả năng thực hiện; công tác chuẩn bị dự án chưa tốt; đền bù giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, chưa phù hợp thực tiễn, phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần; việc xác định giá đất còn chậm,... làm ảnh hưởng đến tiến độ và giải ngân nguồn vốn.

Còn nhiều nhà thầu thiếu năng lực, chây ì, chậm tiến độ, nhưng chủ đầu tư thiếu chủ động tham mưu xử lý, vừa ảnh hưởng tiến độ vừa không giải ngân hết nguồn vốn Trung ương hỗ trợ, đã tạo áp lực lớn lên nguồn vốn ngân sách địa phương....

Do thủ tục điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và điều chỉnh kế hoạch năm 2023 vốn ngân sách trung ương phức tạp, kéo dài, nên một số dự án như: Đường giao thông nối cao tốc bắc-nam với Quốc lộ và Cảng tổng hợp Cà Ná có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn năm 2023 vẫn chưa có cơ sở giao vốn.

Giám đốc Ban Xây dựng năng lực và thực hiện các dự án ODA ngành nước tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Quốc Huy chia sẻ: “Hiện, trình tự thủ tục rút vốn đối với các dự án đầu tư có sử dụng vốn nước ngoài theo quy định khá phức tạp, vì khi thi công và giải ngân dự án phải có ý kiến của nhà tài trợ đối với hồ sơ thiết kế, đấu thầu và khi nào Bộ Tài chính có thông báo được rút vốn thì chủ đầu tư mới có kinh phí để giải ngân, nên mất nhiều thời gian”.

Hiện, một số dự án trọng điểm được giao vốn lớn, trong quá trình thực hiện bị vướng đất rừng, tỉnh đã nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được các bộ, ngành Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết.

Quyết tâm đạt mục tiêu đề ra

Năm 2024, tỉnh Ninh Thuận được Thủ tướng Chính phủ giao vốn kế hoạch là 2.962.569 triệu đồng. Tính đến ngày 7/2/2024, Ninh Thuận đã phân bổ chi tiết được 2.775.569/2.962.569 triệu đồng, đạt 93,7% kế hoạch; còn lại 187.000 triệu đồng sẽ phân bổ sau cho các chương trình, dự án khi bảo đảm các thủ tục đầu tư.

Trong số vốn phân bổ chi tiết là 2.775.569 triệu đồng, đã giải ngân 341.129 triệu đồng, đạt 12,3% kế hoạch.

Phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, trong đó đến hết Quý III/2024 đạt trên 60%, đến hết Quý IV/2024 đạt trên 90%. Đối với kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024 đến hết Quý III/2024 giải ngân đạt 100% kế hoạch.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Ninh Thuận tiếp tục duy trì 12 tổ công tác do thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh làm tổ trưởng để theo dõi, lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư từng công trình, dự án.

Ninh Thuận bàn giải pháp giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công ảnh 2

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam đề nghị các cấp, các ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu tiếp tục nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm về quyết định chủ trương đầu tư, dự án đầu tư, tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công... theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức thực hiện và kết quả giải ngân của cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

Cùng với đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; có chế tài xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Kiên quyết thay thế những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, gây nhũng nhiễu, tiêu cực; xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.

Tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cơ quan, đơn vị, cá nhân không hoàn thành công tác theo kế hoạch. Nếu, đến hết ngày 30/9/2024, các cơ quan, đơn vị, địa phương, chủ đầu tư giải ngân chưa đạt 60% thì cần rà soát, làm rõ nguyên nhân, nghiêm túc tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm, đồng thời đề ra những giải pháp cụ thể, quyết liệt, hiệu quả để đẩy mạnh giải ngân trong những tháng cuối năm 2024.

Đến cuối năm 2024, các cơ quan, đơn vị, địa phương, chủ đầu tư chưa giải ngân hết kế hoạch vốn được giao do nguyên nhân chủ quan thì người đứng đầu chịu trách nhiệm và xem xét, đánh giá mức độ không hoàn thành nhiệm vụ, báo cáo đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

Tỉnh sẽ không bố trí lại, nên các địa phương tự chịu trách nhiệm bố trí từ ngân sách cấp huyện để bù vào phần ngân sách tỉnh không giải ngân hết do nguyên nhân chủ quan.