Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Bắt đầu từ tháng 7/2023, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã có sự thay đổi tích cực và tăng cao hơn so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số vốn chưa giải ngân kế hoạch năm 2023 còn rất lớn, cần có sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị mới có thể hoàn thành tỷ lệ giải ngân cả năm hơn 95%.
0:00 / 0:00
0:00
Nút giao An Phú, thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) đang được gấp rút thi công. (Ảnh VŨ QUYỀN)
Nút giao An Phú, thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) đang được gấp rút thi công. (Ảnh VŨ QUYỀN)

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công tính từ đầu năm đến ngày 30/11/2023 là gần 461 nghìn tỷ đồng, đạt 65,1% kế hoạch. So với cùng kỳ, mức giải ngân 11 tháng năm nay cao hơn 6,77% về tỷ lệ và cao hơn khoảng 123 nghìn tỷ đồng về số tuyệt đối. Trong đó, có 3 bộ, ngành và 15 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân hơn 75%. Kết quả này có được nhờ sự nỗ lực rất lớn của các bộ, ngành, địa phương, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Xu hướng tích cực

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết trung bình 11 tháng, số vốn đầu tư giải ngân đạt hơn 41.900 tỷ đồng. Đây là xu hướng tích cực vì so với cùng kỳ năm 2022, trung bình mỗi tháng giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt khoảng 30,7 nghìn tỷ đồng. Kế hoạch đầu tư công năm nay cũng có những thuận lợi hơn so với hai năm đầu nhiệm kỳ vì hầu hết các dự án lớn đã hoàn thiện thủ tục, giao đủ vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm nên rất quyết liệt, chỉ đạo sát sao công tác giải ngân.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, đến nay còn 21 bộ, ngành và 33 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao với tổng số vốn khoảng 19.260 tỷ đồng, chiếm khoảng 2,7% kế hoạch vốn cả năm. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 10.260 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 9.000 tỷ đồng.

Nguyên nhân của việc chậm phân bổ vốn là do một số dự án dự kiến khởi công mới trong năm 2023 chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư; do nguồn chi từ thu sử dụng đất, thu từ xổ số kiến thiết phụ thuộc vào tình hình thu thực tế tại một số địa phương nên chưa có nguồn để phân bổ… Về tiến độ giải ngân, còn 41 bộ, ngành và 24 địa phương giải ngân thấp hơn mức trung bình của cả nước, trong đó có 15 bộ, ngành chỉ giải ngân dưới 15% và 8 địa phương giải ngân dưới 50%. Đáng lưu ý, còn có nhiều dự án trọng điểm đang chậm tiến độ.

Không đề xuất điều chỉnh giảm vốn

Trong bối cảnh nền kinh tế đối diện với nhiều khó khăn như hiện nay, việc thực hiện có hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2023, bao gồm cả triển khai hiệu quả Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế-xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng. Qua đó góp phần khơi thông điểm nghẽn, đưa dòng vốn đầu tư công trở thành vốn mồi thu hút đầu tư của khu vực tư nhân, dẫn dắt tăng trưởng vốn đầu tư toàn xã hội, góp phần thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đề ra.

Chính vì vậy, áp lực giải ngân vốn đầu tư công trong hai tháng cuối năm rất lớn vì còn khoảng 247 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung giải ngân toàn bộ số vốn được giao, không đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm 2023. Bên cạnh đó, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

Nhìn từ góc độ đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng cùng với hoạt động đẩy mạnh giải ngân đầu tư công vào hệ thống cơ sở hạ tầng, đã đến lúc cần chú trọng đến các dự án đầu tư công trong lĩnh vực chuyển đổi số, giáo dục-đào tạo… để nâng cao trình độ của người lao động.

Từ đó góp phần gián tiếp nâng cao chất lượng của doanh nghiệp Việt Nam đủ sức tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và nắm bắt các cơ hội chưa từng có trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghiệp bán dẫn đang rộng mở. Đây là một bài toán tổng hợp, đầu tư công phải hướng tới một việc hết sức quan trọng nữa, tức là phải đưa vốn vào những lĩnh vực, dự án có tác dụng trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần nâng tầm năng lực của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hợp tác đầu tư nước ngoài ngày càng được nâng cao về số lượng và chất lượng. Muốn vậy phải có các cơ chế giải ngân phù hợp.

“Trước đây, khi nói về đầu tư công, chúng ta thường chú trọng về xây dựng hạ tầng như đường sắt, đường bộ, đô thị… Nhưng cũng phải tập trung giải ngân nguồn vốn đầu tư công cho lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực để xây dựng được đội ngũ lao động kỹ thuật cao, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao trình độ phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nếu nguồn vốn đầu tư công chỉ tập trung cho các dự án nâng cao hạ tầng nhưng người sử dụng hạ tầng lại không được đầu tư nâng cao trình độ tương xứng thì cách làm đó không đồng bộ, không phát huy hết hiệu quả của nguồn vốn đầu tư công”, ông Nguyễn Văn Toàn nói.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Quản lý kinh tế Trung ương, trong các giải pháp tăng tốc giải ngân và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, cần xác định rõ thế nào là chi thường xuyên, thế nào là chi đầu tư để các bộ, ngành, địa phương có căn cứ thực hiện. Đây chính là một trong những nút thắt lớn cản trở hoạt động đầu tư công vì trước đây, các khoản chi nâng cấp, sửa chữa được xác định là chi thường xuyên, chỉ cần lập dự toán là được triển khai thực hiện và giải ngân vốn.

Nhưng theo quy định của Luật Đầu tư công hiện nay, các công việc về sửa chữa, nâng cấp tài sản… được đưa vào danh mục đầu tư công. Theo đó, ngay cả các hoạt động sửa chữa nhỏ phát sinh cũng phải thực hiện theo quy trình gồm các bước xin quyết định chủ trương đầu tư; chờ quyết định phê duyệt dự án để đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm để bố trí vốn… dẫn đến ách tắc, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội. Để gỡ nút thắt này cần sửa Luật Đầu tư công và các luật liên quan.

Trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19, hoạt động giải ngân vốn đầu tư công đã được Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện với nỗ lực và quyết tâm cao. Nhiều dự báo cho thấy nếu đạt tỷ lệ giải ngân 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, GDP sẽ tăng thêm khoảng 0,9-1 điểm %.

Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư bố trí cho các dự án của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế-xã hội đến hết ngày 31/12/2024. Cơ chế này tạo điều kiện cho các dự án lớn mang tính liên vùng tránh được nguy cơ thiếu vốn, không hoàn thành các mục tiêu đề ra tại chủ trương đầu tư. Quốc hội cũng cho phép bổ sung đối tượng và sử dụng số vốn 2.920 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2021 còn dư sau khi thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà đối với người lao động cho các dự án xây dựng, cải tạo, sửa chữa, mua sắm đầu tư trang thiết bị các bệnh viện trong năm 2024.

Nguồn: Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội