Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm

Nhằm khắc phục việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, không đạt mục tiêu đề ra trong những năm qua, từ đầu năm 2024, tỉnh Đồng Nai thể hiện quyết tâm cao khi đề ra hàng loạt giải pháp trọng tâm để tổ chức thực hiện, trong đó, sẽ không bố trí dự án khi chưa có diện tích 75% mặt bằng sạch, nhằm không để tái diễn tình trạng mặt bằng “níu” tiến độ giải ngân nguồn vốn.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng một dự án tại huyện Long Thành.
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng một dự án tại huyện Long Thành.

Ngay từ đầu năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ban hành Chỉ thị về việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024; đồng thời, yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, cấp ủy, chính quyền địa phương coi việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng.

Giải ngân tháng 12 bằng 11 tháng cộng lại

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hữu Nguyên cho biết: Tính đến ngày 31/12/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đạt hơn 73% trong số hơn 14,7 nghìn tỷ đồng. Không chỉ năm 2023, mà một số năm trước đó, việc thực hiện mục tiêu đề ra của tỉnh đối với giải ngân vốn đầu tư công đều gặp khó khăn. Nguyên nhân chính được xác định là do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ lập thủ tục đầu tư các dự án, năng lực thi công của các nhà thầu; sự thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công của các đơn vị liên quan, nhất là thời điểm đầu năm. Đơn cử, 11 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Đồng Nai chỉ đạt gần 38% kế hoạch. Tuy nhiên, chỉ trong tháng 12/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đã đạt hơn 73% kế hoạch. Như vậy, chỉ trong tháng 12, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đã đạt gần bằng 11 tháng trước đó cộng lại.

Những ngày qua, một số dự án quy mô lớn đang khẩn trương thực hiện giải ngân vốn đầu tư công như dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1, dự án thành phần 4 đường vành đai 3-Thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể, các đơn vị liên quan của huyện Nhơn Trạch đã hoàn thành phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân với số tiền hơn 508 tỷ đồng. Trong ngày 11/1, 28 hộ dân có đơn xin nhận trước tiền bồi thường, hỗ trợ đã được Ủy ban nhân dân huyện Nhơn Trạch quyết định giải quyết theo nguyện vọng, chi trả với số tiền gần 57 tỷ đồng. Trong tháng 1 này, huyện Nhơn Trạch sẽ thực hiện chi trả tiền đồng loạt cho người dân có đất bị thu hồi thuộc dự án và tiếp tục phê duyệt phương án bồi thường cho các hộ dân còn lại để tăng tỷ lệ giải ngân nguồn vốn.

Ở dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý Dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hồng Quế cho biết: Các ngành chức năng đã phê duyệt phương án bồi thường với số tiền hơn 270 tỷ đồng cho hơn 110 trường hợp. Bắt đầu từ ngày 12/1, Ủy ban nhân dân huyện Long Thành tiến hành chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người dân trong vùng dự án, dự kiến, trong tháng 1 này sẽ chi tổng cộng khoảng 430 tỷ đồng bồi thường, hỗ trợ tại dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1.

Không bố trí vốn cho dự án chưa có đất sạch

Năm 2024, tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là hơn 15 nghìn tỷ đồng; tỉnh tiếp tục đặt mục tiêu sẽ giải ngân hơn 95% tổng nguồn vốn đầu tư công trong năm. Để khắc phục những hạn chế trong giải ngân vốn đầu tư công, ngay trong ngày làm việc đầu tiên của năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh đã triển khai nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trọng tâm và đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành, quán triệt Chỉ thị về việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024. Trong đó, yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng các dự án để khắc phục vấn đề vướng mắc giải phóng mặt bằng những năm qua, không để ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, các sở, ngành, địa phương phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai công tác giải phóng mặt bằng. Chính quyền các huyện, thành phố cần tổ chức rà soát từ bộ máy, con người, quy trình thực hiện để có chấn chỉnh, khắc phục từng khâu, từng bước, nhằm đưa công tác giải phóng mặt bằng ngày càng đi vào nề nếp; đồng thời, phải quan tâm chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tạo sinh kế bền vững hơn cho người dân bị thu hồi đất.

Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức yêu cầu các chủ đầu tư, các đơn vị, địa phương xác định triển khai thực hiện các dự án trọng điểm và giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chủ động xây dựng kế hoạch, xác định tiến độ, lộ trình giải ngân từng dự án theo tuần, tháng, quý, năm để kịp thời theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ theo mục tiêu được đề ra. Cùng với đó, các đơn vị nỗ lực cao nhất để tăng tốc giải ngân đối với các dự án, công trình ngay từ những ngày đầu năm để đạt tỷ lệ giải ngân ở mức cao nhất như đã cam kết. Đồng chí Hồ Thanh Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai đề nghị các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo chỉ đạo, ưu tiên một số nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy giải ngân đầu tư công năm 2024; trong đó, hoàn chỉnh các thủ tục triển khai đầu tư các dự án, công trình trọng điểm theo Nghị quyết của Tỉnh ủy đã đề ra.

Lãnh đạo Tỉnh ủy Đồng Nai cũng đề nghị khẩn trương xây dựng các dự án tái định cư bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu cho kế hoạch đầu tư công trung hạn; xử lý dứt điểm các vướng mắc liên quan tới tính pháp lý trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư; tập trung chỉ đạo xử lý các vướng mắc liên quan đồng bộ quy hoạch, tạo điều kiện thúc đẩy cơ sở pháp lý cho đầu tư các dự án đúng tiến độ ■