Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đinh Quang Thiện, Trưởng phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Ninh Bình cho biết, sau 18 năm thực hiện, Công an tỉnh và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc Quy chế. Do đó, công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn được bảo đảm, các dấu hiệu vụ việc phức tạp luôn được phát hiện, xử lý kịp thời, không để hình thành “điểm nóng”, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, các doanh nghiệp yên tâm đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh, người lao động có việc làm ổn định.
Đồng chí Đinh Quang Thiện, Trưởng phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Ninh Bình phát biểu tại hội nghị. |
Nổi bật, năm 2006 là năm đầu tiên thực hiện Quy chế bước đầu đã có hiệu quả tích cực, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 547 tỷ đồng, nộp ngân sách 8,5 tỷ đồng, xuất khẩu 0,62 triệu USD.
Đến năm 2023, đóng góp của các khu công nghiệp vào sự phát triển chung của tỉnh đã chiếm một phần đáng kể, doanh thu đạt 61.787 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt 1.352 triệu USD, nộp ngân sách đạt 13.242 tỷ đồng, duy trì việc làm cho hơn 37.000 lao động.
Nhờ nắm chắc tình hình, Công an tỉnh phối hợp các ngành chức năng phát hiện và lập biên bản xử lý 322 trường hợp vi phạm trật tự công cộng, trật tự an toàn giao thông; xử phạt vi phạm hành chính đối với 19 doanh nghiệp vi phạm pháp luật về môi trường với số tiền trên 2 tỷ đồng; giải quyết, ổn định 27 vụ công nhân đình công, lãn công; xử phạt vi phạm hành chính đối với 64 người nước ngoài sử dụng thị thực du lịch vào làm việc trong các doanh nghiệp; chú trọng công tác phòng cháy chữa cháy tại các khu công nghiệp;…
Công nghiệp là động lực cho Ninh Bình "cất cánh"
Những kết quả đó, đã đóng góp tích cực cho việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và nguồn thu ngân sách tỉnh Ninh Bình, góp phần quan trọng cho tỉnh Ninh Bình trở thành 1/16 tỉnh tự cân đối ngân sách trên toàn quốc; là động lực quan trọng thúc đẩy, phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Bình trong giai đoạn 2006-2024 và các năm tiếp theo, là động lực, nguồn lực, để xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố di sản, trung tâm đổi mới sáng tạo trong giai đoạn 2025-2035.
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung làm rõ những kết quả nổi bật trong quá trình thực hiện Quy chế. Đồng thời, đề xuất nhiều nội dung quan trọng như: Sớm hoàn thành quy chế trong quản lý người nước ngoài trong các khu công nghiệp; tăng cường trao đổi thông tin về nhập cảnh, xuất cảnh cư trú của người lao động; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về quan hệ lao động; nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn trong xây dựng quan hệ lao động; xây dựng và nhân rộng mô hình tổ công nhân tự quản trong các doanh nghiệp FDI; mô hình cụm an toàn về an ninh trật tự;…
Đại tá Đinh Trọng Soạn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình phát biểu tại hội nghị. |
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong thời gian tới, Đại tá Đinh Trọng Soạn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình đề nghị, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và Công an tỉnh tập trung giữ vững ổn định, bảo đảm về an ninh, an toàn trong các khu công nghiệp; thực hiện có hiệu quả Kết luận số 13 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới"; đẩy mạnh thực hiện Chương trình phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy và phòng chống mua bán người trong các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, các đơn vị đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, các dự án công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp nông thôn, các dự án tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước; rà soát, điều chỉnh, bổ sung và tham mưu ban hành các chính sách mới phát triển công nghiệp, quan tâm đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; ...
Đặc biệt, ngay sau khi Quy chế được ký kết, các đơn vị quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, phân công trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị liên quan; chú trọng công tác sơ, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Quy chế để rút kinh nghiệm và có hình thức khen thưởng phù hợp từ đó thúc đẩy mối quan hệ phối hợp được chặt chẽ và thường xuyên hơn.
Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình Bùi Duy Quang phát biểu tại hội nghị. |
Kết luận hội nghị, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình Bùi Duy Quang hy vọng, đây sẽ là tiền đề, là nguồn lực quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động lợi dụng đầu tư kinh tế để xâm phạm an ninh quốc gia; an ninh trật tự và an ninh kinh tế; bảo đảm môi trường đầu tư công khai, minh bạch, lành mạnh, bình đẳng cho các nhà đầu tư yên tâm phát triển sản xuất kinh doanh.
Từ đó, góp phần hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển công nghiệp theo Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh lần thứ 22, nhất là việc thu hút các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước để sớm lấp đầy 6/11 khu công nghiệp đang triển khai trong giai đoạn 2025-2035, từng bước phát triển các khu công nghiệp thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thân thiện với môi trường theo định hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh một cách bền vững.
5 cá nhân thuộc Công an tỉnh được Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh khen thưởng. |
Dịp này, nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, sản xuất kinh doanh tại khu công nghiệp được Công an tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh khen thưởng.