Nội dung văn bản nêu rõ: Trọng điểm là ứng phó với mưa, lũ tại các khu công nghiệp Gián Khẩu huyện Gia Viễn, Khánh Phú huyện Yên Khánh là các khu công nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp của mưa, lũ trên sông Hoàng Long và sông Đáy.
Đây cũng là các khu công nghiệp có nhiều doanh nghiệp lớn đang hoạt động như: Nhà máy sản xuất ô-tô Huyndai của Tập đoàn Thành Công; Nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám; Nhà máy sản xuất phân bón NPK Bình Điền... tạo việc làm cho nhiều lao động và có sự đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách tỉnh (khoảng từ 9.000 đến 12.000 tỷ đồng).
Ông Bùi Duy Quang, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình cho biết: Các khu công nghiệp đã được xây dựng đồng bộ, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu Phòng chống thiên tai.
Đơn cử như Khu công nghiệp Gián Khẩu được tiêu thoát nước qua hệ thống kênh tiêu của 3 trạm bơm chính: Trạm bơm Gia Trấn (xã Gia Xuân); Trạm bơm Cung Sỏi (xã Gia Tân); Trạm bơm Gia Tân (xã Gia Tân).
Với năng lực của 3 trạm bơm trên, trong thời gian qua đã bảo đảm tiêu thoát nước tốt cho Khu công nghiệp Gián Khẩu khi mưa, lũ xảy ra; bảo vệ được tài sản, sản xuất của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Gián Khẩu, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế-xã hội của huyện Gia Viễn và tỉnh Ninh Bình.
Cảnh báo lũ trên sông Hoàng Long
Đối với Khu công nghiệp Khánh Phú: Được tiêu thoát nước qua hệ thống kênh điều hòa ra sông Đáy và sông Vạc qua hệ thống các cống dưới đê gồm: Cống Kem, Cống Cái và Cống Chanh; trạm bơm Cống Kem gồm 8 tổ máy công suất 1.000m3/giờ và trạm bơm Cống Cái với 8 tổ máy với công suất 4000m3/giờ (đang xây dựng).
Trường hợp mưa lớn cục bộ, mưa lớn kéo dài và triều cường, việc tiêu thoát nước cho khu công nghiệp sẽ được tiêu thoát qua trạm bơm Cống Kem với công suất 8000m3/giờ ra Sông Đáy.
Hàng nghìn xe ô tô từ Nhà máy sản xuất ô tô Hyundai Thành Công (Tập đoàn Thành Công) được di chuyển về nơi an toàn tại sân golf Hoàng Gia (Ảnh: Thanh Hà) |
Về phía các doanh nghiệp, đại diện Nhà máy sản xuất ô-tô Hyundai Thành Công (Tập đoàn Thành Công) cho biết, đơn vị thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống lụt bão theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, ưu tiên hàng đầu trong các hoạt động triển khai ứng phó với diễn biến của bão lũ là bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người lao động, bảo đảm an toàn cháy nổ, giảm thiểu thiệt hại ít nhất về hạ tầng cơ sở sản xuất và khẩn trương khắc phục các hậu quả của bão lũ nhằm đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại ổn định nhanh nhất có thể.
Theo thông tin mới nhất của Đài khí tượng thủy văn Ninh Bình, tính đến 13 giờ ngày 12/9 mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế là 4,88m (trên báo động 3: 0,88m), tại Gián Khẩu 4,42m (trên báo động 3: 0,72m); sông Đáy tại Ninh Bình 4,12m (trên báo động 3: 0,62m), trên mức đỉnh lũ lịch sử năm 2017: 0,18m.
Dự báo trong 12-24 giờ tới: Mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế, Gián Khẩu tiếp tục lên; tại Bến Đế khả năng lên mức 5,20-5,40m (trên báo động 3 từ: 1,20-1,40m); tại Gián Khẩu lên mức 4,60-4,80m (trên báo động 3 từ: 0,90-1,10m); trên Sông Đáy tại Ninh Bình tiếp tục lên mức 4,15-4,35 (trên báo động 3 từ: 0,65-0,85m).