Ninh Bình hiện có 7 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.472 ha, trong đó có 5 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp từ 60.000-73.000 tỷ đồng/năm; hằng năm đóng góp vào ngân sách nhà nước từ 12.000-15.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 40.000 lao động địa phương.
Điểm nhấn trong quy hoạch, xây dựng và thu hút đầu tư
Huyện Gia Viễn nhìn từ trên cao, hiện rõ ba gam mầu nổi bật trên vùng quê chiêm trũng trước kia vốn là vùng đất khó của Ninh Bình: Mầu xanh là rừng, núi, đất nông nghiệp; mầu nâu là quần thể các khu du lịch văn hóa, tâm linh; mầu trắng sáng là những mái tôn của các nhà máy trong các khu, cụm công nghiệp. Khu công nghiệp Gián Khẩu hiện là khu công nghiệp đang hoạt động rất hiệu quả của tỉnh Ninh Bình. Các ngành công nghiệp như: Lắp ráp ô-tô; linh kiện điện tử, xi-măng; may mặc đã tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp hằng năm trung bình đạt 12.036,2 tỷ đồng.
Năm 2004, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập số 35/2004/QÐ-TTg ngày 17/3/2004. Bốn tháng sau đó, Khu công nghiệp Ninh Phúc được ra đời và đi vào hoạt động, tiếp đến lần lượt là các khu công nghiệp Tam Ðiệp giai đoạn I, Gián Khẩu… Các khu công nghiệp này từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tăng dần tỷ lệ lấp đầy bằng việc thu hút các dự án đầu tư quan trọng, làm động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong những năm tiếp theo.
Công tác thu hút đầu tư của tỉnh Ninh Bình nói chung và đầu tư tại khu công nghiệp của tỉnh nói riêng luôn được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện đạt được kết quả khá tốt. Tốc độ lấp đầy khu công nghiệp, chất lượng các dự án, tính khả thi và hiệu quả của các dự án khu công nghiệp ở mức khá so với các khu công nghiệp trong cả nước và khu vực. Ninh Bình cũng xác định rõ mục tiêu, định hướng thu hút đầu tư vào lĩnh vực trọng tâm như công nghệ cao, công nghệ sạch, giá trị gia tăng lớn, thân thiện với môi trường.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Quang Ngọc cho biết, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tuy được thành lập khá muộn so với cả nước, song với quyết tâm chính trị lớn của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp của tỉnh đã và đang từng bước được xây dựng, hoàn thiện, phát triển, góp phần quan trọng vào thực hiện các mục tiêu phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian qua và những năm tiếp theo, góp phần quan trọng để tỉnh thực hiện và hoàn thành tốt Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Để công nghiệp thật sự là động lực quan trọng
Trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, nhưng kinh tế-xã hội của Ninh Bình năm 2023 vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng và tiếp tục tăng trưởng.
Theo đó, từ năm 2021-2023, đã thu hút được 9 dự án đầu tư đăng ký mới, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1.880 tỷ đồng; lũy kế đến nay, đã thu hút được 121 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 64.610 tỷ đồng; trong đó, có 32 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký hơn 605,6 triệu USD. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 14 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, với tổng diện tích hơn 530 ha, tỷ lệ lấp đầy hơn 72%, thu hút được 360 dự án đầu tư vào cụm công nghiệp, với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 18.550 tỷ đồng.
Bên cạnh những thuận lợi, ngành công nghiệp Ninh Bình đang quyết tâm đẩy lùi những hạn chế, bất cập như: Doanh nghiệp, cơ sở đang sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trình độ công nghệ nhìn chung còn thấp, chậm được đổi mới; trình độ lao động có tay nghề cao còn ít; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, một số ngành chủ yếu thực hiện công đoạn gia công, lắp ráp cho nên giá trị gia tăng thấp; ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh tuy đã có bước phát triển nhưng vẫn ở mức thấp, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn ít, khả năng cạnh tranh kém, chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Do đó, Ninh Bình cần có cơ chế, chính sách vượt trội thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường; tập trung và ưu tiên phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo, cơ khí sản xuất lắp ráp ô-tô; công nghiệp điện tử; công nghiệp vật liệu mới, vật liệu kỹ thuật cao; các ngành công nghiệp chế biến phục vụ sản xuất nông nghiệp; duy trì ổn định sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực truyền thống gắn với bảo vệ môi trường.
Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bùi Duy Quang cho biết, hiện nay, Ban Quản lý đang thực hiện hiệu quả chương trình xúc tiến, thu hút đầu tư theo Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 11/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 175/KH-UBND ngày 27/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng thời, chủ động, quyết liệt thực hiện hiệu quả, thực chất các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, duy trì, ổn định phát triển sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024.
Những năm tới là giai đoạn hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ 22, đồng thời tạo nền tảng hướng đến mục tiêu năm 2030 Ninh Bình là tỉnh phát triển khá, là cực tăng trưởng các tỉnh phía nam Ðồng bằng sông Hồng. Tỉnh cơ bản đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trong những trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Ðông Nam Á; một trung tâm công nghiệp cơ khí ô-tô hiện đại hàng đầu đất nước; cơ bản hình thành đồng bộ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.