Cali sẽ là thành phố đăng cai Hội nghị thượng đỉnh đa dạng sinh học Liên hợp quốc (COP16). (Ảnh: Công ước về Đa dạng sinh học)
Cali sẽ là thành phố đăng cai Hội nghị thượng đỉnh đa dạng sinh học Liên hợp quốc (COP16). (Ảnh: Công ước về Đa dạng sinh học)

Những điều cần biết về Hội nghị thượng đỉnh đa dạng sinh học Liên hợp quốc (COP16)

NDO -

Hai năm sau thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm bảo vệ thiên nhiên khỏi làn sóng hủy diệt nghiêm trọng, các đại biểu toàn cầu sẽ tập trung tại Hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học vào ngày 21/10 tới đây tại Colombia.

Dưới đây là một số thông tin cần biết chung quanh COP16

HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH ĐA DẠNG SINH HỌC CỦA LIÊN HỢP QUỐC - COP LÀ GÌ?

COP là từ viết tắt của Conference of the Parties to the Convention on Biological Diversity - Hội nghị Đa dạng sinh học Liên hợp quốc của các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về Đa dạng sinh học.

COP được tổ chức sau khi Công ước quốc tế về Đa dạng sinh học (CBD) được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Trái đất ở Rio de Janeiro năm 1992. Từ đó tới nay, hội nghị được tổ chức 2 năm một lần với mục tiêu thiết lập chương trình nghị sự, cam kết và khuôn khổ hành động để bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng bền vững, cũng như bảo đảm chia sẻ công bằng và bình đẳng các lợi ích phát sinh từ việc sử dụng tài nguyên.

Những điều cần biết về Hội nghị thượng đỉnh đa dạng sinh học Liên hợp quốc (COP16) ảnh 1

COP được tổ chức sau khi Công ước quốc tế về Đa dạng sinh học (CBD) được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Trái đất ở Rio de Janeiro năm 1992. (Ảnh: COP16)

Năm 2024, lần đầu tiên trong lịch sử, Colombia sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Đa dạng sinh học lần thứ 16. Năm nay, COP16 sẽ nhóm họp từ ngày 21/10, kéo dài 2 tuần tại Cali, Colombia. Thành phố này dự kiến sẽ đón khoảng 12.000 đại biểu từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có hơn 100 bộ trưởng môi trường và 14 nguyên thủ các nước.

Đáng chú ý, COP16 sẽ diễn ra 2 tuần trước khi Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP29) tổ chức tại thủ đô Baku của Azerbaijan.

Trước đó, COP15 tại Montreal (Canada) đã đạt được thỏa thuận mang tính đột phá hướng đến mục tiêu đến năm 2030 sẽ bảo vệ được 30% hành tinh khỏi ô nhiễm, suy thoái và khủng hoàng khí hậu.

COP 16 DIỄN RA KHI THIÊN NHIÊN TOÀN CẦU ĐANG KÊU CỨU

Theo thống kê nhanh của hãng tin Reuters trước sự kiện COP16, sự tàn phá thiên nhiên trên toàn cầu hiện đã đạt tới “một mức độ chưa từng có”.

Cụ thể, dẫn nguồn Liên minh Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và Tài nguyên thiên nhiên (IUCN), Reuters cho biết, hơn một phần tư các loài động vật và thực vật được biết đến, khoảng 45.300 loài hiện đứng trước nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng. Bên cạnh đó, số lượng động vật hoang dã đã được theo dõi cũng giảm tới 73% trên toàn cầu vào năm 2020 so với năm 1970.

Những điều cần biết về Hội nghị thượng đỉnh đa dạng sinh học Liên hợp quốc (COP16) ảnh 2

Hơn một phần tư các loài động vật và thực vật được biết đến, khoảng 45.300 loài hiện đứng trước nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng. (Ảnh: Reuters)

Ở một chỉ số “sức khỏe khác” – Rừng, các nhà khoa học cho rằng, mức độ phá rừng chính là thước đo cho sự hủy hoại thiên nhiên. Xét theo tiêu chí này, Trái đất cũng đang phải đối mặt với thực tế đáng buồn.

Vào năm 2021, hơn 100 quốc gia đã cam kết ngăn chặn nạn phá rừng và suy thoái rừng vào năm 2030. Tuy nhiên, tới năm 2023, diện tích rừng bị phá đã cao hơn tới 45% so với mức cần thiết để đạt mục tiêu vào năm 2030. Reuters cũng dẫn nguồn WWF để nhấn mạnh: Nông nghiệp là nguyên nhân chủ yếu gây ra khoảng 90% tình trạng phá rừng nhiệt đới hiện nay.

Trên biển, theo FAO, khoảng 38% trữ lượng cá đang bị đánh bắt quá mức. Điều này đã gây mất ổn định hệ sinh thái rạn san hô. Tháng 10, giới bảo tồn bàng hoàng khi chứng kiến hiện tượng tẩy trắng san hô “chưa từng có” trên toàn cầu khi có tới 77% diện tích san hô ở cả 3 đại dương lớn đối mặt với thảm họa do nhiệt độ nước biển tăng cao.

Những điều cần biết về Hội nghị thượng đỉnh đa dạng sinh học Liên hợp quốc (COP16) ảnh 3

Trên biển, theo FAO, khoảng 38% trữ lượng cá đang bị đánh bắt quá mức. (Ảnh: Reuters)

Ngân hàng thế giới ước tính, sự sụp đổ của một số hệ sinh thái, như nghề cá hoặc rừng nguyên sinh có thể sẽ khiến nền kinh tế thế giới thiệt hại tới 2,7 nghìn tỷ USD đến năm 2030, chiếm khoảng 2,3% tổng sản lượng toàn cầu.

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc ước tính chi tiêu cho thiên nhiên cần tăng lên 542 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030 để ngăn chặn tình trạng mất mát thiên nhiên và đạt được các mục tiêu về khí hậu.

COP16 ĐƯỢC KỲ VỌNG SẼ ĐẠT ĐƯỢC MỤC TIÊU GÌ?

Diễn ra từ 21/10 tới 1/11, COP16 hướng tới mục tiêu thương thảo các bước tiếp theo trong việc thực hiện thỏa thuận Côn Minh-Montreal năm 2022. Thỏa thuận này được so sánh với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, nhưng dành cho thiên nhiên, nhằm giải quyết sự suy giảm nghiêm trọng về đa dạng sinh học toàn cầu.

Những điều cần biết về Hội nghị thượng đỉnh đa dạng sinh học Liên hợp quốc (COP16) ảnh 4

COP 16 hướng tới mục tiêu thương thảo các bước tiếp theo trong việc thực hiện thỏa thuận Côn Minh-Montreal năm 2022. (Ảnh: Cop16)

Bên cạnh đó, COP16 cũng sẽ đánh giá tiến độ đạt được và xem xét liệu các nước giàu có có thực hiện đúng cam kết sẽ tài trợ 30 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển bảo vệ hệ sinh thái của mình hay không.

COP16 đặt ra khẩu hiệu: Hòa bình với thiên nhiên nhằm kêu gọi thế giới “cải thiện mối quan hệ của chúng ta với môi trường, để xem xét lại mô hình kinh tế không ưu tiên khai thác, khai thác quá mức và gây ô nhiễm thiên nhiên”.

Giống như bông hoa vĩnh cửu Inírida - biểu tượng của COP16, COP16 không chỉ đơn thuần là một hội nghị thượng đỉnh, mà là con đường cho phép chúng ta huy động toàn cầu hướng tới mục đích chung.

Bà Susana Muhamad Gonzalez, Chủ tịch COP16

Bà Susana Muhamad Gonzalez, Chủ tịch COP16 khẳng định: Giá trị của COP16 tại Colombia nằm ở tầm nhìn về "Hòa bình với Thiên nhiên" và trong việc nhận ra rằng cuộc đấu tranh thực sự của thế kỷ 21 là vì sự sống.

"Nếu chúng ta thành công trong việc chuyển đổi mối quan hệ của mình với thiên nhiên, cũng như các hoạt động sản xuất và tiêu dùng của mình, và có được các hành động tập thể để thúc đẩy sự sống thay vì hủy hoại nó, chúng ta sẽ giải quyết được những thách thức quan trọng nhất của thời đại".

Với hội nghị lần này, Colombia - quốc gia có đa dạng sinh học đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Brazil, đặt mục tiêu sẽ đi đầu trong việc bảo vệ thiên nhiên và chống biến đổi khí hậu. COP16 sắp diễn ra trong bối cảnh nhiều khu vực trên thế giới trong đó có Brazil và các quốc gia Mỹ Latinh khác đang phải vật lộn để thoát khỏi một trong những thảm họa tự nhiên như cháy rừng, hạn hán, lũ lụt nghiêm trọng.

Những điều cần biết về Hội nghị thượng đỉnh đa dạng sinh học Liên hợp quốc (COP16) ảnh 5

Logo của COP16 là bông hoa Inírida mùa hè. Đây là loài thực vật đặc hữu của khu vực Inírida, Colombia .

back to top