Cảnh báo về khủng hoảng đa dạng sinh học

Một công trình nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Mexico cho thấy, Trái đất đã bước vào giai đoạn đầu của cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6, đồng thời đưa ra cảnh báo nếu chính phủ các quốc gia không khẩn trương ngăn chặn tình trạng khủng hoảng đa dạng sinh học hiện nay, kịch bản xấu nhất có thể xảy đến trong vòng 200 năm tới.
0:00 / 0:00
0:00
GS Gerardo Ceballos (trái) và GS Rodolfo Dirzo (phải). Ảnh: GETTY IMAGES
GS Gerardo Ceballos (trái) và GS Rodolfo Dirzo (phải). Ảnh: GETTY IMAGES

Tốc độ biến mất nhanh chóng

Theo Live Science, công trình nghiên cứu mang tên “Sự biến mất của sự sống” do hai nhà sinh thái học Gerardo Ceballos và Rodolfo Dirzo thực hiện, đã nhận giải thưởng “Tri thức nơi tuyến đầu” của Tây Ban Nha dành cho những nhà khoa học có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của nhân loại. Giáo sư Gerardo Ceballos đang làm việc tại Trường đại học Quốc gia Mexico (UNAM) và Giáo sư Rodolfo Dirzo tại Trường đại học Stanford (Mỹ) được vinh danh là “các nhà nghiên cứu tiên phong trong khoa học sinh thái và bảo tồn”.

Nghiên cứu chung tiến hành trong nhiều năm của họ đã ghi chép và thống kê lại sự biến mất của các loài động vật và thực vật ở một số môi trường sống đa dạng sinh học nhất trên Trái đất. Qua đó, cả hai đều nhất trí rằng, cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học hiện nay là “một giai đoạn biến mất của nhiều loài đặc biệt nhanh chóng, xảy ra trên toàn cầu và ở tất cả các nhóm sinh vật”. Sau khi phân tích chi tiết về nhiều loài ở khu vực Mỹ latin và châu Phi, nhóm nghiên cứu do Giáo sư Ceballos dẫn đầu đã kết luận trong một bài báo đăng trên tạp chí Science Advances năm 2015, chỉ ra số lượng loài động vật có xương sống bị tuyệt chủng trong 100 năm qua cao gấp 1.000 lần so thời điểm vài triệu năm trước. “Điều này có nghĩa là các loài động vật có xương sống đã tuyệt chủng trong 100 năm qua lẽ ra phải mất 10.000 năm mới tuyệt chủng. Đó là mức độ nghiêm trọng của sự tuyệt chủng”, ông giải thích.

Do vậy, kịch bản đợt tuyệt chủng hàng loạt thứ 6 đã xảy ra với Trái đất là có căn cứ. Chuyên gia Ceballos giải thích: “Đầu tiên là chúng ta đang mất đi tất cả lịch sử của quá trình phát triển sinh học. Thứ hai, loài người đang làm biến mất những sinh vật sống đã đồng hành xuyên thời gian và là chìa khóa thúc đẩy quá trình tiến hóa của loài người. Cuối cùng là tất cả các loài này được tập hợp trong các hệ sinh thái hỗ trợ sự sống trên Trái đất, mỗi loài có liên hệ thiết yếu với nhau như sự kết hợp hài hòa giữa khí quyển, nước uống, phân bón… Nếu không có những yếu tố này thì nền văn minh như chúng ta biết, sẽ không thể được duy trì”.

Những ý kiến khác nhau

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu loài người tiếp tục phát triển theo quỹ đạo hiện tại, cuộc tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6 là điều không thể tránh khỏi và “thời đại chúng ta đang sống hiện nay sẽ là một phần của kỷ nguyên đó”. Các nhà khoa học đã ghi lại 5 sự kiện tuyệt chủng hàng loạt lớn trong lịch sử Trái đất, trong đó ít nhất ba phần tư sự sống đã tuyệt chủng. Trong suốt lịch sử khoảng 4,5 tỷ năm của Trái đất, sự kiện tuyệt chủng đầu tiên được đặt tên là Ordovic-Silur xảy ra vào khoảng 444 triệu năm trước. Sự kiện gần nhất và là sự kiện tuyệt chủng thứ 5, xảy ra cách đây 66 triệu năm khi một tiểu hành tinh rộng khoảng 12 km đâm vào Trái đất. Sự kiện này đã làm tuyệt diệt loài khủng long, để lại một miệng núi lửa rộng hơn 190 km, gây ra trận sóng thần khổng lồ cũng như đại hỏa hoạn đốt cháy mọi cánh rừng trong bán kính 1.500 km sau vụ va chạm. Thảm kịch đã dẫn đến việc xóa sổ khoảng 76% số loài sinh vật trên thế giới.

Trong khi nhiều nhà nghiên cứu đồng ý rằng, đợt tuyệt chủng hàng loạt thứ 6 đang diễn ra, với nguyên nhân bắt nguồn từ “sự hủy diệt sinh học” và “tàn phá cây sự sống”, song cũng có một số nghiên cứu khoa học cho rằng, sự tuyệt chủng hàng loạt vẫn chưa bắt đầu. Theo Giáo sư Robert Cowie tại Trường đại học Hawaii (Mỹ), xét một cách nghiêm ngặt, không thể tuyên bố sự tuyệt chủng hàng loạt cho đến khi nó thật sự xảy ra, đó là thời điểm khi 75% các loài biến mất. Một nghiên cứu năm 2022 do Giáo sư Cowie dẫn đầu và công bố trên tạp chí Biological Reviews ước tính rằng, có 13% các loài được biết đến đã tuyệt chủng kể từ năm 1.500. Đó là một con số đáng kể nhưng chưa đạt so ngưỡng tuyệt chủng hàng loạt 75%.

Theo Live Science, một số nhà nghiên cứu ước tính rằng, sự biến mất của sự sống trên Trái đất sẽ đạt ngưỡng 75% trong vòng 10.000 năm nữa, trong khi nhiều nghiên cứu khác kết luận rằng “chúng ta có thể đạt đến cột mốc đáng sợ này chỉ trong vài thế kỷ nữa, với khả năng thời gian thậm chí còn ngắn hơn nữa nếu mọi thứ diễn biến theo kịch bản tệ hơn”.

Cảnh báo về khủng hoảng đa dạng sinh học ảnh 1

Tình trạng hạn hán được dự báo sẽ lan rộng trong vòng 2 thế kỷ tới. Ảnh: AP

Mối liên hệ mật thiết

Trong nghiên cứu, Giáo sư Rodolfo Dirzo cảnh báo, nếu nhân loại không khẩn trương ngăn chặn tình trạng khủng hoảng đa dạng sinh học do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, sự tồn tại của các loài sinh vật có thể sẽ chấm dứt trong vòng 200 năm tới. Theo ông, sự biến mất của nhiều loài động vật cũng sẽ kéo theo sự tuyệt chủng tương ứng ở thực vật do mối quan hệ hữu cơ và phụ thuộc lẫn nhau giữa động-thực vật trong tự nhiên. Ông nêu rõ, trong một thế kỷ qua, hàng trăm nghìn loài động vật đã biến mất do hoạt động của con người, trong khi hàng triệu loài khác đang cận kề nguy hiểm từ các vấn đề liên quan môi trường như tăng dân số, biến đổi khí hậu, hủy hoại không gian sống, đánh bắt thủy sản quá mức...

Công trình nghiên cứu chung của hai nhà khoa học nhấn mạnh rằng, tương lai của loài người sẽ phụ thuộc phần lớn vào phương thức mà con người áp dụng để giải quyết hài hòa giữa việc bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế - xã hội, qua đó duy trì sự phát triển bền vững và lâu dài. Trong đó, Giáo sư Dirzo đề cập: “Trong thời kỳ bình thường, số lượng loài xuất hiện nhiều hơn số loài biến mất, do đó sự đa dạng dần mở rộng. Đã có 5 sự kiện tuyệt chủng hàng loạt trong 600 triệu năm qua, sự kiện cuối cùng mang đến sự diệt vong của loài khủng long. Tất cả đều có điểm chung là chúng rất thảm khốc, quét sạch 70% hoặc nhiều loài trên thế giới. Chúng có nguồn gốc từ các thảm họa thiên nhiên, như một vụ va chạm thiên thạch, diễn ra rất nhanh chóng về mặt địa chất, kéo dài hàng trăm nghìn hoặc hàng triệu năm”.

Hiện nay, “sự suy giảm động vật” thể hiện việc mất cân bằng do sự vắng mặt của động vật đã diễn ra rất mật thiết với quá trình tuyệt chủng trong lịch sử. “Sự xói mòn hệ sinh thái do mất thảm thực vật cũng làm suy giảm động vật và ngược lại. Đó là một mối đe dọa nghiêm trọng đẫn đến sự cạn kiệt và có khả năng tuyệt chủng của các loài động vật. Chúng ta không chỉ phải lo lắng về sự biến mất của các loài, mà còn là sự tuyệt chủng của các quần thể loài và trên hết là sự tương tác giữa các loài. Theo đó, các hoạt động bảo tồn phải là trọng tâm cốt lõi để ngăn chặn tình trạng suy thoái nói trên”, Giáo sư Dirzo cho hay.

Nghiên cứu “Sự biến mất của sự sống” đã liệt kê 5 yếu tố chính dẫn đến sự suy thoái: Thay đổi cách sử dụng đất để phát triển đô thị; khai thác quá mức tài nguyên; ô nhiễm từ các sản phẩm hóa học độc hại đến chất thải nhựa ngoài biển; đưa các loài phi bản địa hoặc xâm lấn vào các hệ sinh thái nơi chúng không thuộc về; biến đổi khí hậu. Ông giải thích thêm: “Không có yếu tố nào trong số 5 yếu tố này hoạt động biệt lập, chúng đều liên kết với nhau và điều này khiến việc đối phó sự tuyệt chủng sinh học trở nên phức tạp hơn”.

Hai nhà sinh thái học Mexico nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học mà chúng ta đang trải qua có mức độ tương tự cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu và cả hai vấn đề đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau: “Chúng ta phải kết hợp vấn đề tuyệt chủng loài với vấn đề biến đổi khí hậu và hiểu rằng nó là mối đe dọa cho tương lai của nhân loại”.