Cuộc khủng hoảng ít được chú ý
Công ước LHQ về đa dạng sinh học mô tả: Đa dạng sinh học là “sự đa dạng trong các loài, giữa các loài và hệ sinh thái, bao gồm các loài thực vật, động vật, vi khuẩn và nấm”. Chính sự đa dạng này tạo ra sự sống trên Trái đất. Nói một cách đơn giản, đa dạng sinh học đề cập đến tất cả các loại sự sống trên “hành tinh xanh”.
Sự đa dạng của các loài động, thực vật giữ cho hệ sinh thái toàn cầu được cân bằng, cung cấp mọi thứ trong tự nhiên mà con người cần để tồn tại, bao gồm thức ăn, nước sạch, thuốc chữa bệnh và nơi trú ẩn. Hơn một nửa GDP toàn cầu phụ thuộc vào thiên nhiên, sinh kế của hơn 1 tỷ người dựa vào rừng và đa dạng sinh học cũng là biện pháp bảo vệ tự nhiên mạnh mẽ nhất của con người trước biến đổi khí hậu. Bởi, chính các hệ sinh thái trên đất liền và đại dương đóng vai trò là “bể chứa carbon”, hấp thụ hơn một nửa tổng lượng khí thải carbon thải ra trên toàn cầu.
Quan trọng là vậy nhưng thời gian qua, đa dạng sinh học đã suy giảm ở mức báo động. Cả đất liền và đại dương đều đang bị suy thoái với mức độ nghiêm trọng. Một báo cáo đã gọi mất đa dạng sinh học là một “cuộc khủng hoảng âm thầm” và những dấu hiệu đáng lo ngại của cuộc khủng hoảng này đang xuất hiện trên toàn cầu, từ những bãi biển tràn ngập rác thải nhựa cho đến tình trạng cá chết hàng loạt ở các vùng nước bị ô nhiễm.
Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) khẳng định, đa dạng sinh học đang suy giảm nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử loài người. Hơn một triệu loài động vật và thực vật đang đối mặt nguy cơ tuyệt chủng, bao gồm từ giống hổ Hoa Nam và đười ươi Indonesia cho đến các loài động vật và thực vật thường được cho là “phổ biến” như hươu cao cổ, vẹt, cây sồi… Báo cáo đa dạng sinh học năm 2019 của LHQ cho hay, tốc độ tuyệt chủng của các loài trên toàn cầu “trung bình đã cao hơn hàng chục đến hàng trăm lần so với mức trung bình trong 10 triệu năm qua”.
Vòng tròn tác động
Cách thức con người khai thác, sử dụng đất và biển được xác định là nguyên nhân lớn nhất gây mất đa dạng sinh học, chủ yếu là việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, các vùng đất ngập nước và môi trường sống tự nhiên khác để phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp và đô thị hóa. Theo một thống kê của LHQ, kể từ năm 1990, khoảng 420 triệu ha rừng đã bị mất do chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Ô nhiễm từ các loại hóa chất, rác thải cũng đang gây ra sự thay đổi đáng kể về đa dạng sinh học và hệ sinh thái, với những tác động trực tiếp đặc biệt nghiêm trọng đến môi trường sống nước ngọt và biển. Quần thể thực vật và côn trùng đang suy giảm do việc sử dụng liên tục các loại thuốc trừ sâu nguy hiểm. Trong khi đó, kể từ năm 1980, ô nhiễm nhựa ở biển đã tăng gấp 10 lần, ảnh hưởng đến ít nhất 267 loài động vật.
Biến đổi khí hậu cũng là một nguyên nhân cần kể đến trước tình trạng suy giảm đa dạng sinh học. Theo các ước tính, kể từ năm 1980, lượng khí thải nhà kính đã tăng gấp đôi, làm tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu lên ít nhất 0,7oC. Sự nóng lên toàn cầu đã ảnh hưởng đến các loài và hệ sinh thái trên khắp thế giới, đặc biệt là các hệ sinh thái dễ bị tổn thương nhất như rạn san hô, núi và hệ sinh thái vùng cực. Có nhiều chỉ dấu cho thấy sự gia tăng nhiệt độ do biến đổi khí hậu có thể đe dọa tới một phần sáu loài ở cấp độ toàn cầu.
Theo CNN, một số nhà khoa học thậm chí cho rằng, thế giới đang bước vào một sự kiện “tuyệt chủng hàng loạt lần thứ sáu” và lần này do con người gây ra. Tổng Thư ký LHQ António Guterres trong phát biểu tại Hội nghị Đa dạng sinh học LHQ diễn ra năm 2022 cũng cảnh báo: “Chúng ta không còn hòa hợp với thiên nhiên nữa. Con người đã trở thành vũ khí gây tuyệt chủng hàng loạt”.
Một báo cáo gần đây của LHQ chỉ ra rằng, mất đa dạng sinh học không chỉ đe dọa sự tồn tại của một triệu loài trên khắp thế giới mà còn đe dọa sinh kế của hàng tỷ người vốn sống dựa vào các loài hoang dã để lấy thức ăn, nhiên liệu và thu nhập. Môi trường sống bị phá hủy khiến con người và động vật hoang dã tiếp xúc gần nhau hơn, làm tăng đáng kể nguy cơ con người tiếp xúc các tác nhân gây bệnh lây lan từ động vật sang người. Trên thực tế, hơn 75% số bệnh truyền nhiễm mới nổi ở người là do mầm bệnh lây truyền ban đầu ở động vật, dẫn đến hàng triệu ca tử vong mỗi năm.
Sự tuyệt chủng nhiều loài và việc môi trường sống bị hủy hoại cũng đồng nghĩa với việc mất đi tiềm năng chưa được khai thác của thế giới tự nhiên trong việc tạo ra các loại thuốc mới để điều trị bệnh. Khoảng 70% các loại thuốc điều trị ung thư ngày nay là sản phẩm từ tự nhiên hoặc chế phẩm sinh học. Mất đa dạng sinh học, nói một cách khác, sẽ ảnh hưởng trực tiếp nguồn cung điều chế những loại thuốc này.
Các chương trình thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học giúp phục hồi những cánh rừng ở Kenya. Ảnh: UNEP |
Bảo vệ thiên nhiên để bảo vệ con người
Theo các nhà khoa học, bảo tồn sự đa dạng sinh học chính là chìa khóa để bảo vệ cuộc sống bền vững của muôn loài, trong đó có con người. Theo LHQ, một phần ba đất đai trên hành tinh đang bị suy thoái, khiến việc nuôi sống dân số toàn cầu hiện đã vượt quá 8 tỷ người trở nên khó khăn hơn. Khôi phục đa dạng sinh học cũng có thể làm chậm quá trình biến đổi khí hậu bằng cách lưu trữ carbon dioxide từ bầu khí quyển Trái đất, vì hệ sinh thái đất và đại dương hiện hấp thụ 60% lượng khí thải do con người gây ra.
Bà Susan Ruffo, Cố vấn cấp cao về đại dương và khí hậu của LHQ cho biết: “Các hệ sinh thái biển và ven biển như rừng ngập mặn, vùng đất ngập nước lưu trữ lượng carbon đôi khi nhiều gấp 10 lần rừng trên cạn”. Trong các cơn bão, rừng ngập mặn và các môi trường sống tự nhiên khác cũng có thể che chắn bờ biển khỏi nước dâng do bão và lũ lụt, ngăn ngừa thiệt hại và các tác động đến sức khỏe của con người, trong đó có các bệnh về đường hô hấp và các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện sau các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Vì vậy, cần có những giải pháp cấp bách để bảo vệ các hệ sinh thái này.
Để bảo vệ đa dạng sinh học, một số nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc huy động sự tham gia của các cộng đồng dân cư bản địa vào quá trình hoạch định chính sách. Thí dụ, ở Indonesia, một hệ thống quản lý ven biển dựa vào cộng đồng có tên là Sasi đã sử dụng lịch truyền thống của người dân bản địa để xác định thời điểm thu hoạch một số loài cá nhất định. Nhờ đó, ngư dân tránh được việc vô tình làm cạn kiệt nguồn cá trong mùa sinh sản và duy trì được an ninh lương thực địa phương.
Tại châu Âu, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua Chiến lược đa dạng về sinh học của Liên minh châu Âu (EU) đến năm 2030, với các mục tiêu ràng buộc về mặt pháp lý nhằm bảo đảm rằng đến năm 2050, các hệ sinh thái trên thế giới sẽ được phục hồi và bảo vệ đầy đủ. Tháng 2 vừa qua, EP đã thông qua một luật mới về phục hồi thiên nhiên, theo đó đưa ra các quy định mang tính ràng buộc tất cả các nước trong EU phải thực hiện các nỗ lực để khôi phục môi trường sống tự nhiên.
Bà Patricia Kameri-Mbote, phụ trách các vấn đề về pháp lý của UNEP cảnh báo, việc thiếu sự phối hợp giữa các nước, cơ quan và tổ chức là một “thách thức nghiêm trọng” cần phải khẩn trương khắc phục trong quá trình nỗ lực đạt được một thế giới sống hòa hợp với thiên nhiên vào năm 2050. Khẳng định “nếu không có thiên nhiên, con người không có gì”, Tổng Thư ký LHQ António Guterres từng kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới chung tay thúc đẩy kế hoạch “đẩy lùi ngày tận thế đa dạng sinh học” bằng cách thúc đẩy các giải pháp tiêu dùng và sản xuất bền vững.