Số lượng động vật hoang dã toàn cầu đã giảm 73% chỉ trong vòng 50 năm

NDO - Quy mô trung bình của quần thể động vật hoang dã được giám sát đã giảm thảm khốc đến 73%, chỉ trong vòng 50 năm (từ năm 1970-2020). 
Quy mô trung bình của quần thể động vật hoang dã được giám sát đã giảm thảm khốc đến 73%, chỉ trong vòng 50 năm (từ năm 1970-2020). (Ảnh: Alamy)
Quy mô trung bình của quần thể động vật hoang dã được giám sát đã giảm thảm khốc đến 73%, chỉ trong vòng 50 năm (từ năm 1970-2020). (Ảnh: Alamy)

Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) vừa công bố báo cáo mang tên Living Planet Report 2024 nhằm đánh giá về sự biến động của quần thể các loài động vật hoang dã toàn cầu.

Theo đó, số lượng động vật hoang dã toàn cầu đã giảm tới 73% chỉ trong vòng 50 năm qua. Báo cáo dựa trên việc tập hợp số liệu thống kê của gần 35.000 quần thể của 5.595 loài lưỡng cư, chim, cá, động vật có vú và bò sát.

Cũng theo báo cáo này, sự suy giảm mạnh nhất đang diễn ra ở các hệ sinh thái nước ngọt (-85%), tiếp theo là hệ sinh thái trên cạn (-69%) và sau đó là hệ sinh thái biển (-56%). Mối đe dọa được ghi nhận nhiều nhất với quần thể động vật hoang dã trên toàn thế giới là mất và suy thoái sinh cảnh, chủ yếu do hệ thống sản xuất lương thực của con người gây ra.

Xét theo khu vực, sự suy giảm sinh vật lớn nhất đang diễn ra tại khu vực châu Mỹ Latin, với mức giảm lên tới 95%. Xếp sau là châu Phi ở mức 76%; châu Á và Thái Bình Dương với 60%; Bắc Mỹ ở mức 39% và châu Âu là 35%.

Các nhà khoa học cũng cảnh báo, tốc độ suy giảm quần thể động vật hoang dã sẽ có thể tăng nhanh hơn trong những năm tới đây khi tình trạng nóng lên toàn cầu vẫn đang tăng tốc; khi các hiện tượng hạn hán, cháy rừng… vẫn đang gây hậu quả nghiêm trọng trên toàn cầu.

Mặc dù vậy, báo cáo cũng chỉ ra một số "chỉ dấu lạc quan", điển hình là việc một số quần thể đã ổn định hoặc tăng lên do những nỗ lực bảo tồn hiệu quả. Chẳng hạn, quần thể loài Khỉ đột núi tại Virunga ở Đông Phi đã tăng 3% mỗi năm; hay sự xuất hiện trở lại của bò rừng Bison tại Trung Âu.

Trong khi đó, một khảo sát khác của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) cho biết, gần 1/3 trong số 160.000 loài thực vật và động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng; bao gồm các loài lưỡng cư (chiếm 41%); động vật có vú (26%) và các loài lá kim (34%)...

Chỉ số Sức khỏe hành tinh (Living Planet Index) được công bố chỉ vài ngày trước khi Hội nghị lần thứ 16 Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (COP16) diễn ra tại thành phố Cali, Colombia.