Nguy cơ mất hẳn “văn hóa nhà dài” là điều thấy rõ. Một lãnh đạo xã nói rằng, ở Lộc Bắc bây giờ chỉ còn năm ngôi nhà dài truyền thống. Tôi đi khảo sát thực tế thì thấy có vẻ như không đủ số đó. Những nhà dài còn lại thì biểu hiện của sự xuống cấp cũng quá rõ ràng. Ngay cả ngôi nhà phục dựng của gia đình bà Ka Dít cũng đã quá xập xệ.
Cuộc sống hiện đại, xu thế gia đình gọn nhẹ, có tính độc lập đã phổ biến tận các buôn làng người thiểu số Tây Nguyên bây giờ.
Một căn nhà lá hay một ngôi nhà bê-tông cấp bốn chỉ dành cho một gia đình nhỏ được một bộ phận lớp trẻ tỏ ra hào hứng hơn là một gia đình con đàn cháu đống cùng sống trong một mái nhà hun hút không vách ngăn như cha ông họ xưa kia từng ở.
Nhà anh K’Hu ở buôn Bờ Lạch A là một trong những ngôi nhà dài còn giữ được nét ngăn nắp, khang trang. Nhà có ba bếp với 12 người sinh sống được chủ nhân dựng lên ngay phía sau căn nhà kiên cố bằng bê-tông được Bộ Tư lệnh Quân khu 7 xây tặng bà con vùng căn cứ cách mạng.
Ngôi nhà xây phía trước to rộng, khang trang nhưng gần như chỉ dùng để tiếp khách xa đến vì mọi sinh hoạt vẫn dồn hết vào nhà dài phía sau. K’Hu giải thích: “Có nhà xây nhưng mẹ tôi vẫn yêu cầu con cháu phải làm thêm nhà dài vì cả đời bà đã sống với rừng, với nhà dài quen rồi”.
Thế nhưng, ở Lộc Bắc không còn nhiều người nghĩ được như bà Ka Jẹt, mẹ của K’Hu nữa. Lũ trẻ của buôn làng vẫn nghiêng về sự tiện ích nhiều hơn là bảo tồn bản sắc. Người Mạ tự làm mất nhà dài, cũng không thể trách họ được, khi mà đời sống có nhiều biến đổi.
Những chiếc xe máy, rồi ti-vi, tủ lạnh, những nương rẫy cà-phê, những phát sinh mới về tâm lý thế hệ, về văn hóa ứng xử… đã dần tách những bếp lửa riêng tư ra khỏi những ngôi nhà dài mà cha ông họ từng kiến tạo và coi như báu vật của tộc người.
Không biết những người Mạ ở xứ Lộc Bắc này có thấy nuối tiếc những ngôi nhà dài của dân tộc họ hay không nhưng tôi thì ngẩn ngơ như mình vừa bị mất đi một cái gì đó vô cùng quý giá khi trở lại triền thung lũng đại ngàn này.
Tôi đi tìm những bếp lửa nhà dài như tìm về nét đẹp dần trôi vào dĩ vãng của một tộc người. Ngôi nhà dài truyền thống là một không gian cư trú nhân văn và độc đáo, nó còn là nơi lưu giữ những trầm tích văn hóa cổ xưa.
Già K’Diệp nói đúng, giữ cái nhà dài để nuôi chóe, nuôi chiêng. Cái chóe, cái chiêng không thể sống trong những căn nhà xi-măng, cốt thép. Mất nhà dài, mất tiếng khèn m’bướt, mất tiếng chiêng năm, chiêng ba, mất những đêm đốt bếp lửa ấm rừng để người già ngồi kể chuyện sử thi, trai gái hát giao duyên Tăm pớt… Mất đi những điều đó, người Mạ còn gì?!.