Niềm vui của dân bản và các cháu học sinh bản Nhôn Mai ngày khánh thành cầu qua suối khe Hỷ.
Niềm vui của dân bản và các cháu học sinh bản Nhôn Mai ngày khánh thành cầu qua suối khe Hỷ.

Nhịp cầu nối những bờ vui ở biên giới Nghệ An

Không còn phải lội qua nước suối chảy xiết, hay phải ú tim đi qua cầu tạm, những cây cầu dân sinh vững chắc được Đồn Biên phòng Nhôn Mai (Bộ đội Biên phòng Nghệ An) và các phóng viên Báo Nhân Dân vận động kết nối các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng, đã tạo điều kiện cho đồng bào ở địa bàn vùng sâu, vùng xa đi lại thuận lợi ngay trong mùa mưa lũ, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội ở vùng phên dậu Nghệ An.

Hai chiếc cầu sắt, với trụ bê-tông chắc chắn bắc qua khe Hỷ được khánh thành đưa vào sử dụng năm 2023 là niềm vui không thể tả hết của hơn 265 hộ đồng bào dân tộc H'Mông và cán bộ ở hai bản Nhôn Mai và Phá Mựt của xã rẻo cao Nhôn Mai. Đây là những bản nghèo khó nhất ở vùng sâu, biên giới này bởi giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào phát nương làm rẫy, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo 80-90%; các bản này lại cách trung tâm huyện lỵ 30a Tương Dương khoảng 140km đường rừng…

Cầu vào bản Nhôn Mai có chiều dài 56 mét, rộng 3,6 mét với trị giá 650 triệu đồng. Cầu vào bản Phá Mựt có tải trọng 3,5 tấn, rộng 3 mét, kết cấu bằng thép, có trị giá 500 triệu đồng.

Nhịp cầu nối những bờ vui ở biên giới Nghệ An ảnh 1

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhôn Mai đảm nhiệm việc thi công cầu quân dân qua khe Hỷ.

Toàn bộ nguồn kinh phí này đều do Đồn Biên phòng Nhôn Mai kết nối với Công ty vỏ xe Auto Hải Triều và Nhóm Diện chẩn Thiện Tâm tại Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhôn Mai nhận “thầu” xây dựng với giá 0 đồng.

Dẫn chúng tôi đi trên chiếc cầu là niềm mơ ước của bà con, Trưởng bản Nhôn Mai, Vi Văn Hùng phấn khởi: Bao đời nay người dân rất vất vả mỗi khi đi qua khe Hỷ; Nhất là về mùa mưa lũ, nước suối dâng cao, khiến bản bị cô lập, người dân không thể đi lại để làm ăn, các cháu học sinh phải nghỉ học.

Đáng ngại nhất, lúc đó, trong bản có người bị bệnh đi cấp cứu hay những bà bầu “vượt cạn” thì không biết xoay xở như thế nào?!. Nay nhờ chỉ huy Đồn Biên phòng Nhôn Mai kết nối, vận động nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí và cán bộ, chiến sĩ Đồn trực tiếp thi công. Có cây cầu bê-tông vững chắc thay cho cầu tạm trước đây. Người dân không còn phải lo lắng khi mưa to, lũ lớn. Đi lại, giao thương trong, ngoài bản đã thuận lợi hơn nhiều. Bà con dân bản phấn khởi và cảm ơn Bộ đội Biên phòng và các nhà hảo tâm rất nhiều.

Nhịp cầu nối những bờ vui ở biên giới Nghệ An ảnh 2

Cầu bê-tông vững chắc qua suối là miền mơ ước bao đời nay của người dân vùng sâu xã Nhôn Mai, huyện 30a Tương Dương.

Là người thường xuyên qua lại khe Hỷ, anh Vi Tuấn Anh chia sẻ, bao đời nay, người dân trong bản đi lại bằng cây cầu tạm làm từ tre, mét, mỗi lần mưa lũ đến là cầu bị cuốn trôi. Nhân dân trong bản phải chờ nước rút mới làm lại cầu tạm để đi lại. Bây giờ có cầu mới, vững chắc đi lại thuận lợi ngay cả mùa mưa lũ, không có gì mừng hơn nữa!

Đồn Biên phòng Nhôn Mai còn kết nối với nhà tài trợ Nha khoa Toàn Nha, ở thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) và nhà hảo tâm khác cùng chính quyền địa phương xã vùng cao Mai Sơn, (Tương Dương) tổ chức khánh thành, đưa vào sử dụng cầu quân dân tại bản Chà Lò.

Ngoài hai cây cầu trên, ngày 15/5 vừa qua, Đồn Biên phòng Nhôn Mai còn kết nối với nhà tài trợ Nha khoa Toàn Nha, ở thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) và nhà hảo tâm khác cùng chính quyền địa phương xã vùng cao Mai Sơn, (Tương Dương) tổ chức khánh thành, đưa vào sử dụng cầu quân dân tại bản Chà Lò.

Bản Chà Lò là nơi cư trú của 116 hộ đồng bào dân tộc Khơ Mú, trong đó có tới 108 hộ nghèo; đây là một trong những bản có tỷ lệ hộ nghèo cao của xã Mai Sơn.

Trước đây người dân trong bản muốn đi làm, ra trung tâm xã, hay học sinh đi học đều phải lội qua suối, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đặc biệt vào mùa mưa...

Cầu bắc qua khe bản Chà Lò có chiều dài 15 mét, với kinh phí đầu tư 335 triệu đồng. Việc xây dựng và đưa vào sử dụng cầu đã góp phần đáng kể trong việc cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông, phục vụ mục tiêu xóa đói, giảm nghèo cho người dân bản Chà Lò nói riêng và xã Mai Sơn nói chung.

Nhịp cầu nối những bờ vui ở biên giới Nghệ An ảnh 3

Cầu vào bản Huồi Thum, xã 135 Na Ngoi do các phóng viên Báo Nhân Dân kết nối với nhà hảo tâm thành phố Hồ Chí Minh tài trợ.

Cùng với Bộ đội Biên phòng, các văn phòng đại diện thường trú, các câu lạc bộ phóng viên thường trú, phóng viên thường trú các báo Trung ương trên địa bàn Nghệ An, cũng đã kết nối với các nhà hảo tâm, đóng góp xây dựng nhiều cầu dân sinh cho đồng bào vùng cao Nghệ An; trong đó có Văn phòng thường trú Báo Nhân Dân tại Nghệ An.

Trong năm 2023, Văn phòng thường trú Báo Nhân Dân tại Nghệ An đã phối hợp Cơ quan Thường trực Báo Nhân Dân tại Thành phố Hồ Chí Minh và Văn phòng Thời Nay tại Thành phố Hồ Chí Minh kết nối với doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ kinh phí gần một tỷ đồng, đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng hai cầu dân sinh ở bản Huồi Thum, xã 135 Na Ngoi và bản Huồi Hốc, xã 135 Bảo Thắng, đều thuộc huyện rẻo cao biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An).

Cụ thể, trong năm 2023, Văn phòng đã phối hợp Cơ quan Thường trực Báo Nhân Dân tại Thành phố Hồ Chí Minh và Văn phòng Thời Nay tại Thành phố Hồ Chí Minh kết nối với doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ kinh phí gần một tỷ đồng, đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng hai cầu dân sinh ở bản Huồi Thum, xã 135 Na Ngoi và bản Huồi Hốc, xã 135 Bảo Thắng, đều thuộc huyện rẻo cao biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An). Ngoài ra, nhà hảo tâm còn tặng năm bộ máy tính cho Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Na Ngoi và các trường học ở Na Ngoi.

Trưởng bản Huồi Thum Xeo Khăm Hương cho biết: Bà con dân bản cảm ơn Báo Nhân Dân và nhà tài trợ đã giúp xây dựng cầu vượt lũ cho bản. Có cầu này, chúng tôi không còn sợ bị cô lập vào mùa mưa lũ nữa. Giờ đây, bà con đi lại, làm ăn, các cháu học sinh đi học được thuận lợi và dễ dàng hơn...

Những chiếc cầu yêu thương của Báo Nhân Dân cùng nhà tài trợ sẽ góp phần giúp bà con nơi vùng sâu biên cương vơi bớt đi phần nào khó khăn trong cuộc sống.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Sơn Nguyễn Viết Hùng

Thượng tá, Phan Thanh Hồng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nhôn Mai, cho biết: Cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, trong công tác an sinh xã hội đã được đơn vị hết sức chú trọng. Là những người lính đồng hành, gắn bó máu thịt với đồng bào biên giới, thấu hiểu những khó khăn trong cuộc sống, Đồn Biên phòng Nhôn Mai đã và sẽ kết nối với các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng các cầu và công trình dân sinh giúp đồng bào ở các bản làng thuộc vùng sâu, vùng xa được thuận lợi hơn. Do kinh phí hỗ trợ còn có hạn, để bảo đảm thời gian và chất lượng công trình, đơn vị đã lựa chọn các đồng chí có kinh nghiệm, có chuyên môn trong xây dựng để triển khai xây dựng các công trình cho dân bản.

Nhịp cầu nối những bờ vui ở biên giới Nghệ An ảnh 4

Đội thi công 0 đồng của Đồn Biên phòng Nhôn Mai thi công cầu qua khe Hỷ nhằm bảo đảm chất lượng, tiến độ và giảm chi phí.

"Ngoài ra, các nhà hảo tâm còn hỗ trợ các công trình nước sạch, mô hình sinh kế cho các trường học, các hộ đồng bào và tặng quà cho học sinh người dân tộc thiểu số vượt khó học giỏi…", Đồn trưởng Nhôn Mai còn cho biết thêm.

Đại tá Trần Đăng Khoa, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng Nghệ An, cho biết: Với khẩu hiệu “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, tinh thần và trách nhiệm ấy được mỗi cán bộ, chiến sĩ Biên phòng mang trong hành trang lên biên giới trong suốt hơn 65 năm qua, đã góp phần quan trọng làm cho diện mạo các bản làng ở khu vực biên giới, bờ biển của Nghệ An ngày càng đổi thay.

Mô hình kết nối nhà hảo tâm để xây cầu, công trình dân sinh, mô hình sinh kế cho đồng bào và các trường học của Đồn Biên phòng Nhôn Mai là cách làm hay, sáng tạo trong việc huy động sức mạnh, nguồn lực của tuyến sau hướng về đồng bào các dân tộc trên biên giới đang được các đồn biên phòng khác và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An phát huy và nhân rộng ra các địa bàn còn khó khăn.

Cách làm hay này còn được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân khu vực biên giới ghi nhận, ủng hộ. Những việc làm trên đã góp phần giảm bớt khó khăn về vật chất, tinh thần cho đồng bào trên biên giới; từ đó tăng cường mối quan hệ đoàn kết giữa tuyến trước và tuyến sau ngày càng gắn bó hơn.

Những công trình cầu dân sinh này nằm trong Chương trình “Bộ đội Biên phòng chung tay xây dựng nông thôn mới” cùng với tình cảm của những người làm báo Đảng và các nhà hảo tâm dành cho đồng bào vùng biên giới Nghệ An.

Những cây cầu này đưa vào sử dụng không chỉ mang đến sự an toàn cho học sinh và nhân dân các bản mỗi khi mùa mưa lũ tới, mà còn mở ra cơ hội vươn lên thoát nghèo cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa biên giới và mang tới niềm tin vào một cuộc sống sung túc hơn, hạnh phúc hơn trên chính vùng phên dậu của quê hương mình.

back to top