Những năm qua, nhu cầu nhập khẩu nông, lâm, thủy sản của Hàn Quốc từ các quốc gia trên thế giới là khá lớn. Hàn Quốc hiện nhập khẩu từ Việt Nam nhiều mặt hàng như gạo, thủy sản, cà-phê, gỗ, rau quả…
Nhu cầu nhập khẩu đa dạng
Theo số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc đạt 328 triệu USD, đạt 32,2% kim ngạch năm 2022. Hiện nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng từ gỗ của Hàn Quốc có mức tăng trưởng nhanh. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Hàn Quốc từ các thị trường thế giới tăng 16,8% về lượng so với cùng kỳ năm 2022.
Đối với lĩnh vực thủy sản, lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 293,6 triệu USD, đạt 30,9% kim ngạch năm 2022; xuất khẩu rau quả đạt 86,4 triệu USD, đạt 47,8% kim ngạch năm 2022; xuất khẩu gạo đạt 15,3 triệu USD, đạt 45,5% kim ngạch năm 2022 với sản lượng 31,5 nghìn tấn, đạt 47,9% khối lượng năm 2022; sắn và sản phẩm từ sắn đạt 24 triệu USD, đạt 44,9% kim ngạch năm 2022…
Riêng mặt hàng cà-phê, theo số liệu từ Trung tâm Thương mại quốc tế, 6 tháng đầu năm 2023, Hàn Quốc nhập khẩu cà-phê từ các thị trường trên thế giới đạt 92,93 nghìn tấn, trị giá 547,83 triệu USD, giảm 0,3% về lượng và giảm 3,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Nguồn cung cà-phê cho Hàn Quốc khá đa dạng, đến từ khoảng hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, các nguồn cung chủ yếu gồm: Brazil, Việt Nam, Colombia, Ethiopia…
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Hàn Quốc cũng tăng nhập khẩu cà-phê từ Việt Nam, tốc độ tăng 21,4% về lượng và tăng 6,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 21,27 nghìn tấn, trị giá 43,8 triệu USD. Thị phần cà-phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hàn Quốc tăng từ 18,79% trong 6 tháng đầu năm 2022 lên 22,8% trong 6 tháng đầu năm 2023.
Cơ hội gia tăng kim ngạch
Dự báo, những tháng cuối năm, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam có cơ hội gia tăng khối lượng và kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc. Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nhận định, xuất khẩu thủy sản sang Hàn Quốc cũng bị sụt giảm vì lạm phát gây giảm cầu, nhưng không giảm sâu như các thị trường khác.
Nhiều doanh nghiệp vẫn nhìn thấy ở thị trường này điểm sáng lạc quan, khi các mặt hàng chế biến của Việt Nam không bị cạnh tranh bởi các nước khác. Trong những tháng tới, khi lạm phát dần ổn định, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Hàn Quốc sẽ hồi phục nhanh hơn, bù đắp cho những thị trường sụt giảm mạnh.
Bên cạnh đó, mặt hàng sắn và các sản phẩm từ sắn cũng còn dư địa tại thị trường Hàn Quốc. Tuy nhiên, hiện sắn của Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt về thị trường xuất khẩu từ các nước Thái Lan, Campuchia và Lào. Bên cạnh đó, đa số công nghệ chế biến tinh bột sắn của Việt Nam còn thô sơ.
Do vậy Hiệp hội sắn Việt Nam cần nghiên cứu để nâng cao chất lượng sắn xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc nhằm hạn chế những rủi ro trong xuất khẩu. Riêng mặt hàng rau quả, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho biết: Hàn Quốc cũng đang tăng mạnh nhu cầu nhập khẩu các chủng loại hàng từ Việt Nam, bao gồm cả sản phẩm tươi và chế biến. Yêu cầu đặt ra là các doanh nghiệp xuất khẩu cần đáp ứng đầy đủ các quy định nhập khẩu của thị trường này.
Cụ thể như với sản phẩm ớt, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố, chi cục kiểm dịch thực vật và doanh nghiệp xuất khẩu ớt thông báo về yêu cầu của Bộ An toàn dược phẩm và thực phẩm Hàn Quốc.
Theo đó, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất ớt của Việt Nam muốn xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc phải có kết quả kiểm nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật do 8 phòng thử nghiệm được Bộ An toàn dược phẩm và thực phẩm Hàn Quốc chấp thuận. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải thường xuyên cập nhật các thông tin từ thị trường Hàn Quốc để tránh gián đoạn trong giao thương hàng hóa.