Phát huy lợi thế xuất khẩu rau quả

Trong khi nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực của cả nước có kim ngạch xuất khẩu sụt giảm trong 5 tháng đầu năm 2023 thì mặt hàng rau quả ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực. Điều này đang tạo đà cho sự bứt tốc về giá trị của ngành hàng này trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Phát huy lợi thế xuất khẩu rau quả

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 1,97 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2022. Dự báo, nửa cuối năm 2023, xuất khẩu rau quả tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao khi nhiều thị trường trên thế giới có nhu cầu tăng nhập khẩu trở lại.

Tăng đều các chủng loại hàng hóa

Thông tin từ Bộ Công thương cho thấy, tính riêng 4 tháng đầu năm 2023, hầu hết các chủng loại rau quả xuất khẩu đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng tốt.

Đứng đầu về trị giá xuất khẩu là chủng loại quả đạt 920,7 triệu USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong cơ cấu chủng loại quả xuất khẩu chính, chỉ có trái thanh long và chuối ghi nhận sự sụt giảm trong 4 tháng đầu năm 2023.

Trong khi đó, giá trị xuất khẩu trái sầu riêng tăng rất mạnh, đạt 190,5 triệu USD, tăng 573,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Sầu riêng xuất khẩu chủ yếu tới thị trường Trung Quốc, chiếm 84,3% tổng trị giá xuất khẩu trái sầu riêng. Tốc độ tăng trưởng này là thành quả từ việc Việt Nam và Trung Quốc ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc từ tháng 7/2022. Hiện Việt Nam đang đề nghị phía Trung Quốc mở cửa cho các mặt hàng rau quả khác như: bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, chanh, dứa, vú sữa…, nhằm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xuất khẩu rau quả sang thị trường này.

Đối với sản phẩm rau quả chế biến, trong 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đạt 356,4 triệu USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là phân khúc hàng hóa luôn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, nhiều tiềm năng phát triển do nhu cầu ăn uống của người dân trên toàn thế giới đang tăng sử dụng trái cây, rau củ đã qua chế biến.

Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú trọng khai thác phân khúc này, góp phần gia tăng giá trị xuất khẩu ngành hàng rau quả thời gian tới.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dự báo xuất khẩu rau quả tiếp tục đà tăng trưởng cao trong những tháng tới do sản lượng rau quả trong nước và nhu cầu nhập khẩu của các quốc gia trên thế giới đều tăng.

Tuy nhiên, thách thức đặt ra chính là sự gia tăng về sản lượng hàng hóa, đòi hỏi các địa phương, doanh nghiệp phải chủ động nắm bắt thông tin, thị hiếu và nhu cầu thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất, kịch bản tiêu thụ, xúc tiến thương mại đối với từng loại sản phẩm có sản lượng lớn vào chính vụ.

Mở rộng thị trường và mặt hàng tiềm năng

Trong ngành hàng trái cây, ngoài sầu riêng, thanh long, chanh leo…, Việt Nam hiện còn có cơ hội thúc đẩy phát triển một số mặt hàng tiềm năng khác, cụ thể như trái bơ.

Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), xuất khẩu bơ toàn cầu được dự báo đạt 3,9 triệu tấn, trị giá 8,3 tỷ USD vào năm 2030, đưa bơ trở thành mặt hàng trái cây nhiệt đới quan trọng trong thương mại trái cây toàn cầu, và là một trong những mặt hàng trái cây có giá trị nhất.

Dự báo sản lượng bơ toàn cầu sẽ đạt 12 triệu tấn vào năm 2030, gấp hơn ba lần so với năm 2010.

Mỹ và Liên minh châu Âu được dự báo là những thị trường nhập khẩu bơ chính vào năm 2030, với lượng bơ nhập khẩu chiếm hơn 70% tổng lượng bơ nhập khẩu toàn cầu.

Nhu cầu từ các thị trường khác như Trung Quốc và Trung Đông, dự kiến cũng sẽ tăng đáng kể. Đây có thể là một trong những “cánh cửa” mới mà Việt Nam có thể tính đến để phát triển sản xuất và xuất khẩu bơ.

Về mặt thị trường, bên cạnh thị trường truyền thống lớn và tiềm năng là Trung Quốc, thì Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường châu Âu với nhiều cơ hội rộng mở.

Theo Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), trong giai đoạn 2018-2022, nhập khẩu hàng rau, củ, quả của Liên minh châu Âu (EU) tăng đều qua các năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân là 4,9%/năm. Riêng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 112,9 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2021.

Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam mới chỉ đứng thứ 50 trong số các thị trường cung cấp rau quả cho EU. Theo đó, nhập khẩu từ Việt Nam năm 2022 chỉ chiếm 0,2% tổng trị giá nhập khẩu của EU. Có thể thấy, hiện vẫn còn nhiều dư địa cho trái cây và rau củ Việt Nam thâm nhập thị trường EU vì quy mô của thị trường này chiếm tới 43% giá trị thương mại trái cây và rau toàn cầu. Mặt khác, nhu cầu tiêu dùng của EU trải đều trong năm và phụ thuộc phần lớn vào việc nhập khẩu từ bên ngoài.

Với lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Việt Nam được xóa bỏ đến 94% các dòng thuế cho rau quả (trước đó có thuế suất 10-20%), tạo lợi thế cạnh tranh lớn so với nhiều quốc gia xuất khẩu khác. Tuy nhiên, để thâm nhập vào thị trường EU, rau quả Việt Nam phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cao của thị trường này. Cụ thể, ngoài vấn đề chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, các sản phẩm phải đáp ứng các yêu cầu về môi trường như sản xuất theo quy trình bền vững, phát thải thấp và có trách nhiệm xã hội.