Tăng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào thị trường EU

NDO - Trong những tháng đầu năm 2023, thị trường Liên minh châu Âu (EU) vẫn “hút” một khối lượng đáng kể hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam, như: gạo, cà- phê, cao su, thủy sản… Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu chưa cao do tình hình lạm phát tại các quốc gia trong khu vực vẫn diễn biến phức tạp, kéo theo nhu cầu tiêu dùng sụt giảm.
0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu trái cây được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tại thị trường EU thời gian tới.
Xuất khẩu trái cây được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tại thị trường EU thời gian tới.

Dự báo những tháng cuối năm 2023, một số ngành hàng như rau quả, cà-phê, cao su sẽ có cải thiện đáng kể về khối lượng và giá trị khi xuất khẩu vào thị trường EU.

Đa dạng hàng xuất khẩu

Theo số liệu thống kê từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang EU là 19,5 nghìn tấn, đạt 67,3% khối lượng năm 2022, kim ngạch đạt 28,9 triệu USD, đạt 57,3% kim ngạch năm 2022. Hiện EU chủ yếu nhập khẩu cao su từ các thị trường nội khối. Trong các nguồn cung ngoài khối thì Bờ Biển Ngà, Thái Lan, Indonesia, Mỹ, Nga, Hàn Quốc là các thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho EU. Trong số các nước ASEAN, Thái Lan hiện đang có thị phần lớn nhất về cao su tại EU, còn Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 4 cho EU, nhưng vẫn ở mức thấp.

Với mặt hàng cà- phê, EU hiện là thị trường tiêu thụ cà- phê lớn nhất thế giới. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà- phê của Việt Nam sang EU đạt 19,5 nghìn tấn, đạt 67,3% khối lượng năm 2022, với kim ngạch 749,8 triệu USD, đạt 51,5% kim ngạch 2022. EU hiện đang tăng mạnh nhập khẩu cà- phê từ Việt Nam do thị hiếu tiêu dùng cà- phê của người dân EU đang có sự chuyển dịch sang cà phê đặc sản Robusta. Đây cũng là lợi thế cho cà- phê Việt Nam thâm nhập vào thị trường này thời gian tới.

Tăng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào thị trường EU ảnh 1

Mô hình trồng cà phê theo hướng bền vững của Hợp tác xã cà-phê Bích Thao, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.

Riêng hạt điều, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đang sụt giảm cả về khối lượng và giá trị. Theo đó, lũy kế 5 tháng đầu năm 2023 đạt 14,6 nghìn tấn, đạt 36,2% khối lượng năm 2022; kim ngạch đạt 271,3 triệu USD, đạt 30% kim ngạch năm 2022. Tuy nhiên, những tháng đầu năm, nhập khẩu hạt điều của EU từ thế giới cũng ghi nhận mức giảm, nguyên nhân một phần là do kinh tế suy yếu, lạm phát tăng cao ảnh hưởng tiêu cực lên ngành điều toàn cầu.

Trong khi đó, về cơ cấu thị trường nhập khẩu hàng rau quả trên thế giới, EU là thị trường nhập khẩu lớn nhất. Tuy nhiên, tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam còn rất thấp. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang EU đạt 177,1 triệu USD, đạt 50,4% kim ngạch năm 2022. Cùng với rau quả, EU cũng là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất thế giới trong các tháng đầu năm 2023. Trong đó Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 9 cho EU, lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU đạt 376,2 triệu USD, đạt 28,9% kim ngạch năm 2022. Nhìn chung, thị phần thủy sản của Việt Nam chưa thể cải thiện rõ rệt khi chưa được Ủy ban châu Âu (EC) tháo gỡ “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác.

Kỳ vọng tăng trưởng

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, những tháng cuối năm nhu cầu nhập khẩu một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản của EU sẽ tăng cao. Cụ thể như nhu cầu cao su tự nhiên của thế giới vẫn trong xu hướng tăng và sự chênh lệch cung thấp hơn cầu là cơ hội lớn để Việt Nam gia tăng sản lượng cao su tự nhiên, tăng kim ngạch xuất khẩu, nhất là sang thị trường EU.

Một mặt hàng khác cũng được kỳ vọng sẽ có kim ngạch bứt phá tại thị trường EU thời gian tới là rau quả. Thực tế, nhu cầu tiêu dùng rau quả của EU trải đều trong năm và phụ thuộc phần lớn vào việc nhập khẩu từ bên ngoài. Tuy nhiên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho rằng: Để rau quả vào được thị trường EU, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú ý đến thói quen tiêu dùng của người dân EU, theo đó chủ yếu là tiêu dùng sản phẩm chất lượng cao và đồng nhất, bảo đảm an toàn thực phẩm, các sản phẩm phải được sản xuất theo quy trình bền vững, ít phát thải và có trách nhiệm xã hội.

Riêng với ngành thủy sản, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đưa ra dự báo những tháng cuối năm khó có thể chặn được đà suy giảm dù đã có tín hiệu khả quan hơn trước. Nguyên nhân là do sản phẩm chủ lực là tôm bị lấn át bởi hàng giá rẻ của các nước khác như Ecuador và Ấn Độ, dẫn đến giá trị xuất khẩu sang thị trường này khó có thể hồi phục.

Để đáp ứng các quy định mới đồng thời bảo đảm duy trì hoạt động xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU, cuối tháng 7 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công văn 5137/ BNN-CCPT về việc đăng ký cơ sở sơ chế cung cấp nguyên liệu, bán thành phẩm để chế biến xuất khẩu, kho độc lập bảo quản thành phẩm thủy sản xuất khẩu vào EU. Theo đó, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tổ chức thực hiện thẩm định, đánh giá sự tuân thủ quy định, quy chuẩn của Việt Nam và EU về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sơ chế cung cấp nguyên liệu, bán thành phẩm cho cơ sở chế biến xuất khẩu, kho độc lập bảo quản thành phẩm thuỷ sản xuất khẩu đi thị trường EU, cấp mã số cơ sở theo quy định…

Các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu sang EU chủ động thông báo cho chủ cơ sở sơ chế cung cấp nguyên liệu, bán thành phẩm và cơ sở bảo quản thành phẩm thủy sản đăng ký với Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường và các đơn vị trực thuộc Cục trên địa bàn phụ trách để được thẩm định, đánh giá bổ sung vào danh sách cơ sở được phép xuất khẩu vào EU.