Đó là những thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 7 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 1/8.
Những tín hiệu khả quan
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính chung 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản ước đạt 29,13 tỷ USD, giảm 9,1%. Trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm thuỷ sản đạt 4,95 tỷ USD, giảm 25,4%; lâm sản 7,79 tỷ USD, giảm 25,5%; đầu vào sản xuất đạt 1,13 tỷ USD, giảm 25,1%. Tuy nhiên, nhóm nông sản đạt gần 14,99 tỷ USD, tăng 13,2 % (bởi giá trị xuất khẩu nhóm hàng rau quả 3,23 tỷ USD, tăng 68,1%; gạo 2,58 tỷ USD, tăng 29,6%; hạt điều 1,95 tỷ USD, tăng 9,8%; cà phê 2,76 tỷ USD, tăng 6%).
Về thị trường, 7 tháng đầu năm giá trị xuất khẩu nông sản tới các thị trường thuộc khu vực châu Á đạt 14,06 tỷ USD, tăng 2,3%. Trong đó, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất; giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 21,9%, tăng 12,5% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản Quý I/2023 ước đạt 11,19 tỷ USD
Chia sẻ tại buổi họp báo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định: Trong điều kiện khó khăn, nhưng toàn ngành nông nghiệp vẫn nỗ lực hoàn thành mục tiêu, thể hiện rõ nhất trong các chỉ số phát triển của tháng đầu quý III/2023.
Về mục tiêu xuất khẩu 54-55 tỷ USD, Thứ trưởng cho rằng chỉ tiêu này có thể hoàn thành nếu hai ngành chủ lực là lâm nghiệp và thủy sản lấy lại được đà tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023.
Một số tín hiệu lạc quan đã xuất hiện, như số đơn hàng tăng trở lại, nhiều thị trường lớn, tiềm năng với hai ngành kể trên như Mỹ, EU… tăng dần sức mua.
Đặc biệt, lâm nghiệp và thủy sản nhận sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ. Hồi tháng 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì buổi làm việc với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST). Qua lắng nghe tâm tư của hai tổ chức, Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản tại Văn bản 5631/NHNN-TD.
Theo đó, đối tượng vay vốn là khách hàng có dự án, phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam, thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn; trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ.
Các ngân hàng thương mại theo thẩm quyền thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ đối với khách hàng tham gia chương trình này, phù hợp với quy định pháp luật và quy mô hoạt động của ngân hàng. Đến nay, 12 ngân hàng thương mại đã đăng ký tham gia chương trình.
Bằng sự giải quyết kịp thời, chính xác của Chính phủ, cùng báo cáo của Cục Lâm nghiệp, Cục Thủy sản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định, hai ngành sẽ hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 17 và 9-10 tỷ USD vào cuối năm.
“Lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu. Trong điều kiện hiện nay, hai ngành cần tích cực, chủ động hơn nữa trong việc chuẩn bị nguồn nguyên liệu, ký kết đơn hàng, nhằm tận dụng triệt để thời cơ khi thị trường các nước khởi sắc”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu. Trong điều kiện hiện nay, hai ngành cần tích cực, chủ động hơn nữa trong việc chuẩn bị nguồn nguyên liệu, ký kết đơn hàng, nhằm tận dụng triệt để thời cơ khi thị trường các nước khởi sắc.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến
Nỗ lực vượt khó về đích
Tại buổi họp báo, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chia sẻ những kế hoạch từ nay đến cuối năm của toàn ngành. Cụ thể, xác định sẽ theo dõi sát tình hình thời tiết khí tượng, thủy văn để chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp. Triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu, vụ mùa và vụ thu đông năm 2023; đặc biệt lưu ý bảo đảm nguồn nước cho sản xuất lúa tại các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Bên cạnh đó, nắm bắt tình hình sản lượng các loại cây ăn quả chủ lực phục vụ xuất khẩu như thanh long, nhãn, xoài, sầu riêng, cây có múi; chỉ đạo rải vụ cây trồng phù hợp với thị trường tiêu thụ, có giá bán tốt và hiệu quả kinh tế cao.
Về chăn nuôi, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển chăn nuôi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm; theo dõi sát diễn biến thị trường nguyên liệu, nguồn cung và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi có biện pháp chỉ đạo kịp thời tránh tình trạng tăng đột biến giá cả.
Xây dựng bản đồ dịch tễ của các bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm để làm căn cứ chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh; tăng cường năng lực xét nghiệm. Kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, nhập khẩu thuốc thú y cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc thú y. Trong lĩnh vực thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cường kiểm soát chất lượng giống thủy sản, vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản; chỉ đạo phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển. Tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá trên biển.
Tập trung kiểm soát các hành vi nghiêm trọng về khai thác IUU, ngăn chặn tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác trái phép vùng biển nước ngoài.Riêng với lĩnh vực hợp tác quốc tế và mở cửa thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, liên minh kinh tế Á-Âu...
Tận dụng các FTAs, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.