Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ nỗ lực vượt khó, chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi

NDO - Bức tranh xuất khẩu gỗ đang khá ảm đạm khi doanh nghiệp thiếu đơn hàng, thiếu vốn, phải thu hẹp sản xuất. Doanh nghiệp đang phải nỗ lực vượt qua khó khăn để chuẩn bị nguồn lực cho giai đoạn phục hồi sắp tới.
0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu gỗ đang gặp nhiều khó khăn.
Xuất khẩu gỗ đang gặp nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ gặp khó khăn

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, trong thời gian Covid-19, Công ty TNHH Kẻ Gỗ vẫn có sự tăng trưởng tốt, năm 2020 tăng trưởng 50% và năm 2021 tăng trưởng gần 100%. Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 đến nay, xuất khẩu gỗ của công ty đang có dấu hiệu chững lại và hiện đang đi xuống. Doanh số và lượng bán hàng của công ty hiện sụt giảm trên 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam ước tính, trong tháng 6/2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,05 tỷ USD, giảm 0,1% so với tháng 5/2023 và giảm mạnh 26,2% so với tháng 6/2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 728 triệu USD, giảm 4,3% so với tháng 5/2023 và giảm 23,4% so với tháng 6/2022. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 6 tỷ USD, giảm 28,8% so với cùng kỳ năm 2022.

“Khó khăn chung mà các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đang gặp phải là khi lượng hàng tiêu thụ thấp xuống, doanh nghiệp buộc phải bán giá thấp hơn. Đây là bối cảnh chung của doanh nghiệp trong ngành”, ông Trịnh Đức Kiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ chia sẻ.

Nhiều doanh nghiệp gỗ cho biết, xuất khẩu gỗ thời lạm phát hiện còn khó khăn hơn cả trong thời gian đại dịch Covid-19. Điều này buộc các doanh nghiệp gỗ phải tiết giảm chi phí bằng cách tiết giảm sản xuất, cho bớt công nhân nghỉ việc. Hoặc buộc phải đa dạng hóa sản phẩm để tạm thời vượt qua giai đoạn khó khăn.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam ước tính, trong tháng 6/2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,05 tỷ USD, giảm 0,1% so với tháng 5/2023 và giảm mạnh 26,2% so với tháng 6/2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 728 triệu USD, giảm 4,3% so với tháng 5/2023 và giảm 23,4% so với tháng 6/2022. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 6 tỷ USD, giảm 28,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Chia sẻ về tình hình xuất khẩu gỗ, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - cho biết, nửa đầu năm 2023, xuất khẩu sản phẩm gỗ sụt giảm khá mạnh. Nếu như kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nói chung giảm khoảng 12% thì xuất khẩu gỗ giảm gần 30%. Chúng ta đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có thể xuất khẩu được 20 tỷ USD gỗ và sản phẩm từ gỗ, song đến thời điểm này, mục tiêu cần phải tính toán lại.

Nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ sụt giảm là thị trường Hoa Kỳ, thị trường chủ lực của ngành gỗ đã giảm 35% về kim ngạch do sức mua kém, đơn hàng giảm. Bên cạnh đó, ngành gỗ đã phải đối diện với các cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp từ năm 2020 và đến nay, sau 7 lần trì hoãn thì Bộ Thương mại Hoa Kỳ vẫn chưa đưa ra phán quyết cuối cùng.

Bên cạnh đó, trong nước, nguồn cung gỗ nguyên liệu hiện vẫn chưa đủ và doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu một số loại trong nước không có. Do đó, quy trình chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp để tận dụng các hiệp định thương mại tự do cũng gặp nhiều khó khăn.

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, do hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình độ công nghệ còn thấp, nguồn lực tài chính hạn chế nên chưa đủ để đầu tư công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh. Công nghệ thấp nên năng suất thấp.

Ngoài ra, mẫu mã sản phẩm gỗ xuất khẩu vẫn còn đơn điệu. Thương hiệu của doanh nghiệp còn yếu. Nhiều doanh nghiệp không có đủ kinh phí xây dựng thương hiệu. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa năng lực về quản trị, marketing còn yếu.

Chưa kể, ngành gỗ còn tồn tại một số hạn chế nội tại như cơ cấu sản phẩm vẫn nghiêng về các sản phẩm có giá trị thấp như xuất khẩu dăm gỗ đứng thứ nhất thế giới. Còn những mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao hơn như gỗ ván, nội ngoại thất tỷ trọng còn thấp. Hiệu quả sử dụng gỗ còn lãng phí so với thế giới.

Ông Trịnh Đức Kiên thẳng thắn chia sẻ, phải nhìn thực tế vào vấn đề là ngành gỗ đã dần dần phát triển trong hơn 20 năm vừa rồi và giai đoạn 2020-2021 có sự đột phá. Tuy nhiên, sự đột phá này không đến từ chính sách hay chiến lược kinh doanh tốt mà trong 2 năm đó, doanh nghiệp gỗ đã hưởng nhiều lợi thế từ việc Trung Quốc đóng cửa sản xuất, giảm lưu thông, xuất khẩu hàng hóa. Nhân cơ hội đó, doanh nghiệp đã có thêm rất nhiều khách hàng và thị trường mới. Hầu hết các doanh nghiệp gỗ có sự phát triển tốt trong giai đoạn này.

“Hiện nay, khi Trung Quốc quay trở lại thì ngay lập tức doanh nghiệp gặp khó khăn. Do đó, cần phải nhìn lại xem chúng ta thiếu cái gì, yếu cái gì để khắc phục, vượt qua khó khăn”, ông Kiên nói.

Tìm giải pháp cho những tháng cuối năm

Nhìn chung, nhu cầu thị trường gỗ toàn cầu gia tăng mỗi năm từ 7-8%, tức là ta còn nhiều dư địa, cơ hội phát triển trong tương lai. Do đó, các chuyên gia cho rằng, khó khăn hiện nay chỉ là nhất thời, do khó khăn chung của thị trường. Thị trường có thể ấm lên khi lạm phát được kiểm soát, nhu cầu của các thị trường ấm trở lại.

Thời gian qua, Chính phủ, các cơ quan và doanh nghiệp đã có giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu gỗ. Tuy nhiên, ông Ngô Sỹ Hoài cho rằng, cần nhiều giải pháp hơn để gỗ Việt có thương hiệu trên thế giới. “Chúng tôi đã có nhiều cuộc họp với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và truyền đi thông điệp rất rõ ràng là Chính phủ, doanh nghiệp, người dân Việt Nam đã làm nhiều việc để thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển xanh, góp phần hình thành một ngành công nghiệp gỗ có trách nhiệm, góp phần giảm mất rừng trên toàn cầu. Đây là xu hướng mà thế giới hướng tới”, ông Hoài chia sẻ.

Nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, vừa qua, một công ty tổ chức hội chợ đã được thành lập với sự góp sức của 5 hiệp hội Việt Nam như Hiệp hội Gỗ Việt Nam, các hiệp hội gỗ địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Định. Đây là công ty chuyên tổ chức hội chợ trong nước và quốc tế để làm sao tăng cường xúc tiến thương mại cho sản phẩm gỗ.

Về phía doanh nghiệp, hiện nay, khi đơn hàng không có, nhiều doanh nghiệp phải tiết giảm chi phí, giảm công nhân, giảm giờ làm, duy trì mức độ sản xuất nhất định để chờ thời gian phục hồi sản xuất trở lại. Song, đây cũng cần được nhìn nhận là giai đoạn doanh nghiệp nhìn lại để tái cơ cấu sau nhiều năm phát triển và tăng trưởng nóng. Doanh nghiệp cần hiểu rằng thời gian qua, ta đã phát triển nóng theo chiều rộng, dựa nhiều vào nhân công giá rẻ.

Trong tương lai gần, lợi thế đó sẽ không còn mà cần phải tăng cường ứng dụng máy móc, sử dụng lợi thế từ cuộc cách mạng 4.0 mang lại để tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ nỗ lực vượt khó, chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi ảnh 1
Sản xuất, xuất khẩu sản phẩm hàng tiêu dùng bằng gỗ đang là hướng đi cho doanh nghiệp trong lúc khó khăn.

Ông Trịnh Đức Kiên chia sẻ thêm, về phía doanh nghiệp đang tập trung 2 nhóm giải pháp. Trong đó, giải pháp thứ nhất là chủ động đa dạng sản phẩm. “Hiện nay chúng tôi có ván ép, đồ gỗ dùng một lần, sản phẩm cán gỗ. Trong đó, đồ gỗ dùng một lần vẫn có sự tăng trưởng, giúp duy trì cho công ty không bị khó khăn”, ông Kiên nhấn mạnh.

Về thị trường, hiện Kẻ Gỗ đã mở rộng sang thị trường thứ 38, trong đó tập trung cho các thị trường mới là Australia và New Zealand. Lợi thế của Kẻ Gỗ là dòng sản phẩm đồ gỗ tiêu dùng, dòng sản phẩm nơi nào cũng cần chứ không phụ thuộc vào một thị trường nào cả. Nước nào có xu hướng giảm rác thải nhựa thì doanh nghiệp tích cực bán vào để đa dạng hóa.

Về lâu dài, doanh nghiệp phải làm sao đi vào chuỗi cung ứng của toàn cầu, trở thành nhà cung cấp mà các tập đoàn lớn tuyển lựa. Khi đó, kể cả nhu cầu có thời điểm suy giảm thì các doanh nghiệp trong hệ thống vẫn sẽ được ưu ái.