Trong 6 tháng đầu năm 2023, Sở Công thương Hà Nội đã cùng các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đã bám sát các nhiệm vụ, các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, thu được nhiều kết quả khả quan dù bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn.
Sáu tháng đầu năm, khu vực thương mại dịch vụ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, tích cực đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng chung của thành phố. Tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn ước đạt 1.797 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước.
Một số ngành chế biến, chế tạo có chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất đồ uống tăng 24,5%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 18,3%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 17,4%...
Thành phố đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ khởi công các cụm công nghiệp trên địa bàn. |
Tuy nhiên, còn nhiều chỉ tiêu chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng đặt ra.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng nhưng thấp hơn mục tiêu (kế hoạch là 7,5-8%). Nhiều ngành có chỉ số IIP giảm như sản xuất máy móc, thiết bị; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; dệt; thiết bị điện…
Trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa chỉ đạt 8,1 tỷ USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, với 70 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc về đất đai, thu hút đầu tư, quản lý, môi trường, xử lý nước thải…
Trong vấn đề thương mại, phát triển hạ tầng chưa đồng đều, mới tập trung ở các quận nội thành, việc thu hút đầu tư về các huyện ngoại thành vẫn còn khó khăn.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã đưa ra những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực công thương. Nhiều nhiệm vụ như xây dựng, cải tạo hệ thống chợ, phát triển cụm công nghiệp, quản lý an toàn thực phẩm… còn đang gặp nhiều bất cập liên quan đến các quy định chồng chéo, thủ tục phức tạp.
Đơn cử, đại diện huyện Thanh Oai cho biết, trong việc đầu tư chợ, nếu đầu tư từ ngân sách thì việc thu để hoàn trả vốn ngân sách là rất khó, vì tiền thu từ chợ chỉ đủ để bảo trì chợ.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Long Biên Vũ Xuân Trường cho biết, hiện nay quận mới chỉ có quy hoạch sử dụng đất, chưa có quy hoạch ngành, cho nên việc phát triển, xây dựng hệ thống bán lẻ khó khăn. Do vậy, quận đề nghị Sở Công thương và các ngành liên quan xây dựng quy hoạch ngành để địa phương có căn cứ pháp lý triển khai xây dựng chợ, trung tâm thương mại.
Lĩnh vực thương mại dịch vụ tiếp tục tăng trưởng tốt. |
Ghi nhận các ý kiến của các quận, huyện, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, từ nay đến cuối năm 2023, Sở và các quận, huyện, thị xã sẽ tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin để giải quyết các vướng mắc, khó khăn.
Trong vấn đề phát triển cụm công nghiệp, Sở Công thương sẽ phối hợp các sở, ngành, các quận, huyện, thị xã hoàn thiện dự thảo Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn; tiếp tục tổ chức thẩm định điều chỉnh quyết định thành lập, thẩm định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp.
Đối với công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp sẽ xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp của Hà Nội theo hướng hiện đại; phát triển các ngành sản xuất công nghiệp có chọn lọc, đột phá vào những ngành, sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, có hàm lượng chất xám cao, làm cơ sở phát triển kinh tế tri thức…
Lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội đề nghị các địa bàn có cụm công nghiệp tạo điều kiện rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, đôn đốc giải phóng mặt bằng tạo điều kiện cho các chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục cần thiết để đẩy nhanh tiến độ khởi công, xây dựng hạ tầng, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Trong vấn đề phát triển thương mại, Sở Công thương Hà Nội tiếp tục chú trọng vấn đề hoàn thiện quy hoạch thương mại, rà soát các địa điểm quy hoạch, xác định rõ vị trí, quy mô, diện tích, ranh giới để thực hiện kêu gọi đầu tư.
Bên cạnh đó, sẽ phối hợp với các quận, huyện thực hiện tốt công tác quản lý chợ, giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc về khiếu nại, tố cáo liên quan đến các chợ trên địa bàn; thực hiện đồng bộ các biện pháp để bình ổn thị trường, bảo đảm quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.