Sáng 1/8, Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội; Sở Tư pháp Hà Nội và Trường đại học Luật Hà Nội đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”.
Tham dự hội thảo có 350 đại biểu đến từ các bộ, ngành Trung ương; thành viên Ban Soạn thảo dự thảo Luật.
Hội thảo có sự tham gia, đóng góp ý kiến của đội ngũ trí thức, nhà khoa học chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực đến từ các trường đại học, cao đẳng, học viện và đại học trên địa bàn Hà Nội.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, hiện nay, thành phố Hà Nội đang triển khai ba nhiệm vụ: hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi); lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Đây là 3 việc quan trọng, có mối liên hệ mật thiết với nhau. Do đó, trong quá trình triển khai, cần phải tranh thủ, tận dụng những ý kiến, tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm giới trí thức đến từ các học viện, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thủ đô.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong cho biết, ngày 5/5/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Nghị quyết 15-NQ/TW đã đặt ra mục tiêu đến giai đoạn đến 2030, Hà Nội trở thành Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế; là trung tâm động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng Bắc Bộ cũng như cả nước.
Đến năm 2045 là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa, tiêu biểu cho cả nước, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trên khu vực và thế giới.
Nghị quyết 15-NQ/TW cũng nêu, trong giai đoạn năm 2011-2020 Hà Nội chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, chưa làm tốt vai trò là trung tâm, là động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.
Có một số điểm nghẽn không những không giải quyết được triệt để mà còn trầm trọng hơn, như vấn đề gia tăng dân số cơ học, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, quá tải hạ tầng đô thị, xã hội…
Trên cơ sở đó, đặt ra yêu cầu Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phải tháo gỡ những điểm nghẽn trong quá trình phát triển để Hà Nội phát huy hết tiềm năng, thế mạnh.
Những điều khoản trong Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tạo được cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để Hà Nội phát huy thế mạnh, để đóng góp được nhiều hơn nữa cho cả nước”, Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Tại hội thảo đã có 13 tham luận, thể hiện tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm của các chuyên gia, các nhà khoa học, lãnh đạo các trường đại học, học viện…
Các tham luận tiếp tục khẳng định những vấn đề mang tính chất quan điểm, nguyên tắc trong xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), đó là: thể chế hóa các chủ trương nhiệm vụ giải pháp của Đảng về xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội; các cơ chế chính sách đưa vào luật bảo đảm cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội cho Thủ đô; tính thống nhất, đồng bộ của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nằm trong tổng thể hệ thống pháp luật Việt Nam…
Bên cạnh đó, vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn, trăn trở về tính thống nhất, đồng bộ của dự thảo với hệ thống pháp luật hiện hành; về yêu cầu tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại của bộ máy chính quyền; sự vượt trội, đột phá trong các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô trong công tác tổ chức cán bộ, thu hút, trọng dụng nhân tài, xây dựng, phát triển, quản lý, tài chính ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư và phát triển…
Các ý kiến tham luận, góp ý của đội ngũ các nhà khoa học tại hội thảo sẽ được thành phố Hà Nội, Ban Soạn thảo, các cơ quan chức năng xem xét, nghiên cứu nhằm bổ sung các luận cứ khoa học kịp thời bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.