Trận lũ xảy ra hồi tháng 6/2022 là thảm họa khí hậu lớn nhất trong lịch sử Pakistan. Lũ lụt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của 33 triệu người, phá hủy hai triệu ngôi nhà và cướp đi sinh mạng của gần 1.700 người. Hàng triệu người phải sơ tán và đến nay vẫn chưa thể trở về nhà, trong khi nước lũ chưa rút dẫn đến nguy cơ lây lan hàng loạt dịch bệnh.
Trong khi đó, giá thực phẩm tăng vọt và theo số liệu của Liên hợp quốc, số người đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực ở Pakistan đã tăng gấp hai lần, lên 14,6 triệu người. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, 9 triệu người có thể rơi vào cảnh nghèo đói do ảnh hưởng của lũ lụt tại Pakistan.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã hối thúc cộng đồng quốc tế hỗ trợ 4 triệu trẻ em tại Pakistan hiện đang sống gần khu vực nước lũ ô nhiễm. Theo UNICEF, số ca nhiễm các bệnh hô hấp cấp tính đang tăng nhanh, vốn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với trẻ em trên toàn thế giới.
Đại diện UNICEF tại Pakistan cho biết, dù mưa lũ đã qua đi nhưng cuộc khủng hoảng mà trẻ em đang đối mặt chưa kết thúc. Gần 10 triệu trẻ em vẫn đang cần hỗ trợ khẩn cấp và các em đang bước vào mùa đông khắc nghiệt mà không có nơi ở phù hợp. Suy dinh dưỡng nghiêm trọng, các bệnh về hô hấp và liên quan đến nguồn nước, kết hợp với thời tiết lạnh đang đẩy cuộc sống hàng triệu trẻ em Pakistan vào nguy hiểm.
Là quốc gia đông dân thứ 5 trên thế giới, ước tính chỉ “đóng góp” khoảng 0,8% lượng phát thải toàn cầu, nhưng Pakistan lại là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước thời tiết khắc nghiệt do tác động của biến đổi khí hậu. Cuộc khủng hoảng khí hậu là nguyên nhân chính khiến thiên tai trở nên nghiêm trọng hơn tại Pakistan.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế đầu tư lớn để hỗ trợ Pakistan phục hồi sau trận lụt lịch sử. Theo ông Guterres, Pakistan đang chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu, cũng như những bất cập trong hệ thống tài chính toàn cầu khi mà các quốc gia có thu nhập trung bình thường xuyên bị từ chối giảm nợ và không được cấp những khoản tài trợ ưu đãi cần thiết để đầu tư vào khả năng phục hồi trước thiên tai. Pakistan cần 16,3 tỷ USD để phục hồi sau các trận lụt nghiêm trọng, cũng như ứng phó tốt hơn với tình trạng biến đổi khí hậu.
Tại Hội nghị quốc tế về tài trợ cho Pakistan, đại diện của khoảng 40 quốc gia, các nhà tài trợ tư nhân, các thể chế tài chính quốc tế đã thảo luận về việc hỗ trợ Pakistan khắc phục hậu quả sau lũ. Trong số các nhà tài trợ, Ngân hàng Phát triển Hồi giáo cam kết cung cấp 4,2 tỷ USD trong ba năm tới để giúp nước này đạt được các mục tiêu phát triển và tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngoài Ngân hàng Thế giới (cam kết 2 tỷ USD), Ngân hàng Phát triển châu Á (1,5 tỷ USD), Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Pháp và Mỹ cũng cam kết viện trợ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, Paris sẵn sàng hỗ trợ Pakistan trong các cuộc đàm phán với các tổ chức tài chính là chủ nợ của quốc gia Nam Á, đồng thời khẳng định Pháp sẽ tiếp tục cung cấp kiến thức chuyên môn và một số hỗ trợ tài chính cho Pakistan.
Pakistan đang chật vật vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế và người dân quốc gia Nam Á này vẫn phải chống chọi với những ảnh hưởng khủng khiếp của lũ lụt. Chính phủ Pakistan cho biết, hiện nước này chỉ có thể trang trải 50% chi phí, số còn lại trông đợi viện trợ của cộng đồng quốc tế. Những cam kết tài trợ mới đây được kỳ vọng sẽ giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ có thể xảy ra, hỗ trợ tiến trình phục hồi của Pakistan và giúp nâng cao khả năng chống chịu của quốc gia Nam Á trong dài hạn.