Pakistan đối mặt nguy cơ dịch bệnh lây lan sau đợt lũ lụt nghiêm trọng

NDO - Vừa hứng chịu đợt lũ lụt chưa từng có, Pakistan lại đang phải đối mặt nguy cơ dịch bệnh lây lan khi hàng chục nghìn người đã mắc các bệnh truyền nhiễm liên quan nguồn nước không bảo đảm sau lũ, trong đó trẻ em và phụ nữ là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
0:00 / 0:00
0:00
Một gia đình Pakistan phải di dời và sống trong căn lều tạm sau đợt mưa lũ kỷ lục ở Sehwan, Pakistan, ngày 15/9/2022. (Ảnh: Reuters)
Một gia đình Pakistan phải di dời và sống trong căn lều tạm sau đợt mưa lũ kỷ lục ở Sehwan, Pakistan, ngày 15/9/2022. (Ảnh: Reuters)

Tổng số người chết trong đợt lụt lịch sử vừa qua tại quốc gia Nam Á này đã vượt quá con số 1.500 người. Mặc dù nước lũ đã bắt đầu rút, nhưng ở nhiều địa phương, có thể phải mất từ ​​2 đến 6 tháng để nước lũ rút hoàn toàn.

Chính quyền tỉnh miền nam Sindh ngày 16/9 cho biết, khi nước lũ bắt đầu rút đi, các khu vực bị ngập lụt đã trở thành ổ lây nhiễm dịch bệnh, bao gồm sốt rét, sốt xuất huyết, tiêu chảy và các bệnh về da.

Chỉ riêng trong ngày 15/9, thống kê cho thấy có tới hơn 90 nghìn người cần phải được điều trị chỉ riêng tại tỉnh Sindh, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đợt lũ lụt kinh hoàng vừa qua.

Báo cáo của chính quyền tỉnh Sindh xác nhận, có 588 ca mắc bệnh sốt rét với 10.604 trường hợp nghi mắc khác, bên cạnh 17.977 ca tiêu chảy và 20.064 ca bệnh về da được ghi nhận trong ngày 15/9.

Kể từ ngày 1/7, tổng cộng có tới 2,3 triệu bệnh nhân đã được điều trị ngay tại hiện trường và các bệnh viện lưu động thiết lập ở vùng lũ lụt.

Trong đợt mưa lũ bất thường vừa qua, Cơ quan Ứng phó thảm họa quốc gia Pakistan đã ghi nhận con số 1.508 người chết, trong đó có 536 trẻ em và 308 phụ nữ.

Pakistan đối mặt nguy cơ dịch bệnh lây lan sau đợt lũ lụt nghiêm trọng ảnh 1

Có thể phải mất từ ​​2 đến 6 tháng để nước lũ rút hoàn toàn ở nhiều khu vực tại Pakistan sau đợt mưa lũ kỷ lục vừa qua. Trong ảnh, người dân đi thuyền qua 1 trạm thu phí bị ngập trên đường cao tốc Indus ở Sehwan, Pakistan, ngày 15/9/2022. (Ảnh: Reuters)

Hiện hàng trăm nghìn người dân Pakistan phải di dời vì lũ lụt đang rất cần được hỗ trợ về thức ăn, chỗ ở, nước uống, nhà vệ sinh và thuốc men.

Trong 1 tuyên bố, ông Abdullah Fadil, Trưởng đại diện UNICEF tại Pakistan, cho biết, tình hình đang khá ảm đạm đối với các gia đình bị ảnh hưởng lũ lụt, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ.

Trong chuyến đi thực tế tới những vùng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt trong 2 ngày qua, đại diện UNICEF cho biết, nhiều trẻ suy dinh dưỡng mắc các bệnh tiêu chảy, sốt rét, sốt xuất huyết, cùng nhiều trẻ em khác bị bệnh ngoài da.

Ông Fadil cũng thông tin thêm, nhiều bà mẹ bị thiếu máu và suy dinh dưỡng, trong khi có nhiều trẻ nhẹ cân, kiệt sức hoặc ốm yếu đến mức không thể bú sữa mẹ.

Theo ông, hàng triệu gia đình Pakistan hiện đang phải vật lộn trong điều kiện thiếu thốn để chống chọi với cái nắng gay gắt, khi nhiệt độ ở một số khu vực tại Pakistan đã vượt quá 40 độ C.

Các nhà khoa học cho biết, đợt mưa lũ xối xả nhấn chìm nhiều vùng đất rộng lớn ở Pakistan vừa qua là hiện tượng rất hiếm gặp trong hàng trăm năm qua.

Theo đó, lượng mưa kỷ lục trong mùa gió mùa ở miền nam và tây nam Pakistan, cùng băng tan ở các khu vực phía bắc nước này đã gây ra đợt lũ lụt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến gần 33 triệu người ở quốc gia 220 triệu dân này.

Mưa lũ đã cuốn trôi nhà cửa, hoa màu, cầu cống, đường sá và gia súc, gây thiệt hại ước tính khoảng 30 tỷ USD.