Hơn 5 triệu người dân Pakistan đối mặt với khủng hoảng lương thực sau lũ lụt lịch sử

Cơ quan nhân đạo Liên hợp quốc cảnh báo, trong 3 tháng tới, khoảng 5,7 triệu người Pakistan sẽ đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng sau trận lũ lụt lịch sử.
0:00 / 0:00
0:00
Trẻ em chơi tại các khu lều trại tạm dành cho người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở Hyderabad, Pakistan, ngày 24/9/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)
Trẻ em chơi tại các khu lều trại tạm dành cho người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở Hyderabad, Pakistan, ngày 24/9/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo Cơ quan Ứng phó thảm họa quốc gia Pakistan, các đợt lũ lụt do mưa lớn bất thường trong mùa mưa năm nay tại Pakistan đã cướp đi sinh mạng của 1.695 người, ảnh hưởng đến 33 triệu người, làm hư hỏng hơn 2 triệu nhà cửa, khiến hàng trăm nghìn người phải sống trong lều hoặc nhà tạm.

Trong báo cáo mới công bố, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) lo ngại lũ lụt có thể khiến mất an ninh lương thực tại Pakistan trầm trọng thêm, và khoảng 5,7 triệu người ở các vùng chịu ảnh hưởng đối mặt với khủng hoảng lương thực trong khoảng từ tháng 9-11.

Ngay cả trước khi xảy ra các đợt lũ lụt nghiêm trọng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, khoảng 16% dân số Pakistan phải sống trong tình trạng mất an ninh lương thực ở mức vừa phải hoặc nghiêm trọng.

Chia sẻ trên Twitter ngày 3/10, OCHA cho biết đang cùng các đối tác mở rộng quy mô cứu trợ và vận chuyển hàng cứu trợ cho 1,6 triệu người chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Cũng theo cơ quan này, ngày càng nhiều ổ dịch bùng phát do nước nhiễm khuẩn và một số bệnh khác ở tỉnh Sindh và tỉnh Baluchistan ở tây nam Pakistan.

Một số quốc gia và các cơ quan của Liên hợp quốc đã điều hơn 130 chuyến bay chở hàng cứu trợ cho người dân vùng lũ nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu cần thiết.

Liên hợp quốc dự định tiếp tục kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ bổ sung 800 triệu USD để đáp ứng những nhu cầu cơ bản cho người dân.

Chính phủ Pakistan ước tính thiệt hại kinh tế do lũ lụt gây ra lên tới khoảng 30 tỷ USD, nhiều tuyến đường bị cuốn trôi, khoảng 440 cây cầu bị phá hủy, giao thông đường sắt gián đoạn.

Chính phủ Pakistan đánh giá nguồn dự trữ lúa mì của nước này vẫn đủ dùng cho tới mùa thu hoạch tiếp theo, song đang nỗ lực để nhập khẩu thêm nhằm khắc phục tình hình hiện nay.