LHQ kêu gọi giúp Pakistan chống chọi lũ lụt

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres vừa tới Pakistan để thể hiện tình đoàn kết, chia sẻ với người dân quốc gia Nam Á đang chống chọi sức tàn phá kinh khủng của thiên tai. Lãnh đạo LHQ kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ Pakistan khắc phục hậu quả lũ lụt, đồng thời có hành động khẩn cấp và mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu (BĐKH).
0:00 / 0:00
0:00
Hàng chục triệu người dân Pakistan bị ảnh hưởng bởi đợt lũ lụt lịch sử. Ảnh: CNN
Hàng chục triệu người dân Pakistan bị ảnh hưởng bởi đợt lũ lụt lịch sử. Ảnh: CNN

Pakistan chật vật trong mưa lũ

Trận lũ quét mới nhất vào tối 9/9 đã cướp đi sinh mạng của năm người Pakistan và khiến sáu người bị thương, chủ yếu ở vùng “rốn lũ” là các tỉnh Balochistan, Sindh và Khyber Pakhtunkhwa. Cơ quan quản lý thảm họa quốc gia Pakistan (NDMA) cho biết, mưa lũ cuối tuần qua cũng phá hủy thêm hơn 4.000 nhà dân tại nhiều khu vực trên khắp Pakistan. Cơ quan khí tượng Pakistan tiếp tục cảnh báo mưa to, gió lớn còn tiếp diễn trong vài ngày tới.

Đợt mưa lớn bắt đầu từ giữa tháng 6 vừa qua gây lũ lụt, sạt lở đất nghiêm trọng tại nhiều khu vực ở Pakistan. Mưa lớn kèm gió mùa kết hợp các sông băng tan chảy đã khiến một phần ba diện tích lãnh thổ Pakistan ngập trong nước, khiến ít nhất 33 triệu người, chiếm khoảng 15% dân số bị ảnh hưởng. Thống kê của NDMA đến cuối tuần trước cho thấy, gần 1.400 người chết, hơn 12.700 người bị thương và hơn 177.000 người được giải cứu trong các vụ tai nạn, sự cố do lũ lụt và lở đất; gần 664.000 người được sơ tán tới các cơ sở lưu trú tạm thời. Khoảng hai triệu ngôi nhà và cơ sở kinh doanh, hơn 7.000 km đường bộ và đường sắt và gần 500 cây cầu bị phá hủy. Hơn 750 nghìn con gia súc chết và hơn 800 nghìn ha đất nông nghiệp bị lũ tàn phá.

Văn phòng Khí tượng Pakistan cho rằng, lượng mưa hiện nay cao gấp năm lần so mức cùng kỳ hằng năm. Nhà chức trách Pakistan nỗ lực xả nước, song mực nước hồ Manchar ở tỉnh Sindh, hồ nước ngọt lớn nhất Pakistan, vẫn ở mức cao nguy hiểm. Thủ tướng Shehbaz Sharif tuyên bố đây là đợt lũ lụt tồi tệ nhất trong lịch sử Pakistan, gây thiệt hại hàng chục tỷ USD.

Chính phủ Pakistan cùng các tổ chức, tình nguyện viên tăng cường hoạt động cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ người dân những vùng bị ảnh hưởng lũ lụt. Theo LHQ, hơn 6,4 triệu người tại các vùng thiên tai ở Pakistan đang cần viện trợ nhân đạo khẩn cấp.

Ngăn chặn trả “cái giá khủng khiếp”

Trong nội dung đăng trên mạng xã hội ngày 10/9, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết, Pakistan cần ít nhất 10 tỷ USD để sửa chữa cơ sở hạ tầng bị hư hại do mưa lũ. Ông Guterres hy vọng qua chuyến thăm Pakistan có thể kêu gọi được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế giúp Pakistan khắc phục hậu quả đợt lũ lụt tồi tệ. Theo Tổng Thư ký LHQ, Pakistan và các nước đang phát triển đang phải trả “cái giá khủng khiếp” do thế giới tiếp tục phụ thuộc và các nước phát thải nhiều tiếp tục đặt cược vào nhiên liệu hóa thạch. Ông Guterres kêu gọi các quốc gia phát thải lớn ngừng đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch, chuyển sang năng lượng tái tạo để “chấm dứt chiến tranh với thiên nhiên”.

Pakistan có lượng phát thải thấp, chiếm chưa tới 1% lượng phát thải toàn cầu. Tuy nhiên, theo Tổ chức môi trường Germanwatch (Đức), Pakistan xếp thứ tám trong danh sách những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do BĐKH. Phát biểu ý kiến với báo giới tại Islamabad trong chuyến thăm Pakistan, ông Guterres nói: Những quốc gia như Pakistan, vốn góp phần rất ít vào tình trạng Trái đất ấm lên, không đáng phải gánh chịu hậu quả như vậy.

Một số tổ chức cứu trợ quốc tế đã tới Pakistan, cung cấp thực phẩm, nước sạch và thuốc chữa bệnh cho người dân vùng lũ. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hơn 1.460 trung tâm y tế tại Pakistan bị nước lũ phá hủy. WHO cùng các đối tác hỗ trợ thiết lập hàng nghìn lán trại y tế và tổ chức phát thuốc, dụng cụ xét nghiệm nhằm phòng dịch bệnh bùng phát. Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cũng cho biết, khoảng ba triệu trẻ em tại Pakistan đang cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh, các cơ quan LHQ đang đẩy nhanh chương trình hỗ trợ nhân đạo, trong đó có việc thiết lập cầu hàng không từ Dubai của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) để khẩn trương vận chuyển hàng viện trợ tới Pakistan.