Người thầy đặc biệt vượt lên mọi nghiệt ngã

Sức làm việc của Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký (trong ảnh) cho thấy nghị lực của một tấm gương vượt qua hoàn cảnh nghiệt ngã, khơi dậy niềm say mê học tập trong nhiều thế hệ học sinh. Nói đến thầy, nhiều người đều bày tỏ lòng cảm phục. Cuộc đời của thầy là niềm xúc động lớn cho nhiều người!
0:00 / 0:00
0:00
Người thầy đặc biệt vượt lên mọi nghiệt ngã

Năm lên bốn tuổi, một cơn bệnh khiến Nguyễn Ngọc Ký bị liệt cả hai tay. Thương con, năm cậu bé Ký lên sáu tuổi, bố mẹ đưa con vào lớp 1 với mong muốn con mình không thua kém những đứa trẻ khác. Ký rất buồn khi chỉ nghe cô giáo giảng bài mà không viết được như các bạn. Niềm khao khát được viết chữ đã buộc cậu nghĩ ra nhiều cách để viết cho bằng được. Thoạt đầu, cậu viết bằng miệng nhưng không thành. Một lần tình cờ nhìn thấy đàn gà bới đất bằng chân, một ý nghĩ lóe lên trong đầu: “Sao mình không dùng chân để viết?”.

Thế là, ngày này sang ngày khác, cậu kiên trì dùng chân để tập viết. Trải qua ba tháng với nhiều phen bị chuột rút đau điếng, cậu đã tự viết được bài học trên manh chiếu nhỏ trải ở nền góc lớp. Kết quả, cậu không những viết thành thạo mà còn viết rất đẹp, trở thành học sinh giỏi trong nhiều năm liền, hai lần được tặng Huy hiệu Hồ Chí Minh.

Năm 1966, Nguyễn Ngọc Ký vào học khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Tốt nghiệp, anh về quê dạy học. Công việc nghề giáo luôn gắn với phấn và bảng nhưng thầy Ký không bao giờ dùng phấn. Mỗi khi lên lớp, thầy chuẩn bị kỹ những câu hỏi, câu đố chung quanh bài giảng để học sinh rút ra được ý nghĩa của bài học. Ngoài ra, thầy dùng những tấm giấy carton lớn viết những ý chính và những điểm nổi bật, giá trị nhất của tác phẩm lên đó.

Đến lớp, thầy treo lên bảng, giảng đến đoạn nào dùng chân kéo sợi dây được buộc vào ròng rọc, thế là lần lượt những bài giảng xuất hiện. Năm 1983, thầy đoạt giải nhất cuộc thi giáo viên giỏi tỉnh Nam Định. Trong lần về thăm huyện Hải Hậu, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký là đại diện cho sự phấn đấu phi thường và kỳ diệu, là tấm gương sáng cho các bạn trẻ hôm nay, nhất là những người khuyết tật noi theo”. Ngày 20/11/1992, ông vinh dự nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.

Năm 1994, thầy công tác tại Trường bồi dưỡng Nghiệp vụ quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, thầy bồi dưỡng môn Văn, Giáo dục công dân cho giáo viên. Ở tuổi ngoài 70, thầy Ký vẫn dành thời giờ cho lứa tuổi măng non. Thầy viết nhiều sách cho trẻ em và có hàng nghìn buổi giao lưu, nói chuyện tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp… ở nhiều tỉnh thành phố. Một giáo viên đã thốt lên: “Thầy Ký giao lưu một tiết bằng chúng tôi dạy giáo dục công dân cả năm… Thầy đã thực sự truyền lửa và lòng nhiệt huyết đến các bạn trẻ”.

Tháng 7/2017, ông cho ra mắt tập sách “Tâm huyết trao đời”. Đây là tập cuối của bộ hồi ký về cuộc đời Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký. Hai cuốn trước là "Tôi đi học" và "Tôi học đại học". “Tôi đi học” kể về hành trình tập viết bằng chân của cậu bé Nguyễn Ngọc Ký từ lúc chưa học lớp 1 đến khi trưởng thành, với sự nhắn nhủ: Không đỉnh cao nào không kề cận bên ta, khi ta biết thắng mình mỗi phút giây qua. Và, không có gì ngày mai không đạt được nếu hôm nay ta biết học hết mình. “Tôi học đại học” (9/2013) là lời tri ân ngọt ngào gửi đến thầy cô, bạn bè Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, đến những miền đất sâu nặng nghĩa tình đã rộng vòng tay cưu mang ông trong suốt bốn năm học sơ tán.

Trong “Tâm huyết trao đời”, những câu chuyện giản dị được kể một cách chân thật, sinh động, có sức hấp dẫn và lay động mạnh mẽ. Mỗi chương là một cánh cửa, mở ra không gian rộng lớn cho bạn đọc hiểu thêm về tâm hồn và triết lý sống của thầy - một con người cởi mở, khiêm nhường, giàu yêu thương, đầy khát vọng, nhiệt huyết, nhiều sáng kiến và quyết tâm... Cuốn sách là tấm lòng của một người dành trọn đời cho sự nghiệp giáo dục hướng đến thế hệ sau trong khát vọng chiếm lĩnh đỉnh cao tri thức. Thầy Ký chia sẻ: “Cuộc đời tôi bất hạnh khi liệt đôi tay nhưng tôi may mắn gặp được những người có tấm lòng cao thượng, những thầy cô, bạn bè văn chương, các học trò thân yêu và những người phụ nữ nhân hậu…

Cuốn sách này đã được ấp ủ từ rất lâu, từ khi bước lên bục giảng. Nhưng bốn năm nay tôi mới thật sự hoàn thiện nó và dành tặng mọi người”. Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét: “Anh không chịu tàn phế, cũng không gục ngã trước số phận mà vươn mình đứng dậy và bước đi. Không! Anh không đi. Anh đã bay lên mặt đất bằng đôi chân diệu kỳ của mình…”. Thầy không ngừng làm việc mặc dù phải đối diện với nỗi đau bệnh tật và góp cho đời những trang văn giàu cảm xúc. Từ năm 2010, ông phải chạy thận ba lần một tuần. Nhưng bằng nghị lực phi thường, ông tìm nguồn vui sống trên những trang viết, trò chuyện giao lưu cùng học sinh, bạn đọc... Thầy Ký bộc bạch bằng những câu thơ sau: “Biết mơ những khoảng trời. Biết cười trong nước mắt. Biết cắt những cái thừa…”.

Người thầy quê huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đã trở nên vô cùng thân thuộc đối với lớp trẻ Việt Nam. Nói về thầy, nhiều người nghĩ ngay tấm gương nghị lực phi thường và ý chí mạnh mẽ vượt lên số phận, trở thành người thầy ưu tú. Cuộc đời 75 năm của thầy là cuộc đời viết hoa hai chữ Con Người.