Người làng biển giữ hồn biển

Ở các miền biển, có nhiều người gắn bó mật thiết với đại dương, không chỉ mưu sinh mà họ còn nỗ lực gìn giữ những giá trị văn hóa, tinh thần của biển. Đó là những người con mang trong mình tình yêu và trách nhiệm đối với biển quê hương.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Bùi Thanh Phú (ngoài cùng bên phải) giới thiệu với học sinh về nghề làm nước mắm.
Anh Bùi Thanh Phú (ngoài cùng bên phải) giới thiệu với học sinh về nghề làm nước mắm.

Bác Lê Văn Lễ (quận Thanh Khê) hay anh Bùi Thanh Phú (quận Liên Chiểu) đều sinh ra và lớn lên, gắn bó bao nhiêu năm nay ở làng biển Đà Nẵng. Mỗi người một cách, người phát huy tín ngưỡng, văn hóa làng biển, người giới thiệu, quảng bá… cả hai đều cố gắng giữ nét biển ở ngôi làng mình đang sống.

Tại các dịp lễ cúng tại làng biển Thanh Khê đều không thiếu bác Lễ (sinh năm 1945), từ lễ cầu an, cầu ngư, thờ cá ông, tri ân tổ nghề đánh bắt cá, đến cúng tiền bối lập ấp, lễ kỵ cơm… Bác nhớ rõ từng mốc ngày tháng âm lịch trong năm và phong tục, nghi lễ cúng như thế nào.

Là con thứ sáu trong nhà, mọi người đều quen gọi bác Lễ là Sáu. Gia đình bác làm nghề biển truyền thống từ nhiều đời. Sáu Lễ cũng vậy, ngày trẻ nối nghiệp ông cha lên tàu vươn khơi bám biển, từ con cá, con mực, lu nước mắm để chăm lo cả gia đình. Quá ngũ tuần, cảm thấy tuổi đã cao, bác Sáu Lễ gác thuyền lên bờ.

Trước kia, khi còn là thanh niên, bác Sáu đã thường xuyên được dự các lễ cúng của làng biển, vì vậy, bác nắm được một số phong tục tuy chưa tường tận. Dần dần, khi nhận tham gia Ban Nghi lễ làng Thanh Khê, bác học thêm từ các bậc cao niên, từ người ba của mình, qua đó nắm rõ nghi thức, văn tế để có được lễ cúng đủ đầy. Gần đến ngày lễ, bác tham gia với các bậc cao niên trong làng và Ban Nghi lễ hội ý, sắp xếp chuẩn bị... cứ như vậy đã hơn 30 năm nay.

Kỷ niệm bác nhớ mãi là tham gia dẫn đoàn ngư dân ra Thủ đô Hà Nội để tái diễn Lễ hội Cầu ngư vào năm 2014. Chuyến đi kéo dài 16 ngày với 56 người tham gia. Trong đoàn có cả những bậc cao niên trong làng, tám chiếc xe mang theo dụng cụ cho lễ hội như kiệu, cờ, lão bộ, chiêng trống…

Sau này, Lễ hội Cầu ngư quận Thanh Khê được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, mọi người đều phấn khởi và cảm thấy vinh dự. Để truyền cảm hứng cho lớp trẻ, bác đã mua 10 bộ đồ lễ gửi tặng những thanh niên có tâm huyết trong làng đang đồng hành trong việc giữ nghi lễ, coi đó là sự gửi gắm tâm huyết của các bậc cao niên cho thế hệ sau. Bác tham gia viết kỷ yếu trong cuốn “Thanh Khê đất và người”, nội dung về nghề đánh bắt hải sản xưa và nay, các lễ hội tại địa phương.

Chứng kiến nhiều đổi thay, từ làng quê bên sóng nay đã thành tổ phố, dân phường, bác Lễ hào hứng: “Nghề biển bây giờ đã hiện đại hơn xưa, nhiều phương tiện máy móc hỗ trợ đã giúp bà con đỡ được sức người, tránh được nhiều rủi ro về thiên tai, tai nạn trên biển. Tuy nhiên, số người đi biển cũng vơi dần, tôi chỉ mong những lễ nghi của làng được nhiều thế hệ sau này tiếp tục duy trì để níu giữ truyền thống, văn hóa làng biển”.

Chuyện thầy giáo Bùi Thanh Phú (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) vực dậy nghề làm nước mắm truyền thống với thương hiệu “Hương làng cổ” đã không còn xa lạ với làng biển Nam Ô. Việc thầy Phú thường xuyên đón các nhóm, đoàn khách du lịch, học sinh, sinh viên đến tìm hiểu, trải nghiệm nghề làm nước mắm hay dẫn đoàn đi tham quan trong làng cũng không phải là chuyện mới lạ.

Việc làm hướng dẫn viên tay ngang được anh Phú manh nha từ gần 10 năm trước. Lúc đó, anh muốn làng được phát triển, mọi người nhìn nghề làm nước mắm theo con mắt văn hóa ẩm thực trong bữa cơm của người Việt. Mâm cơm thiếu chén nước mắm xem như chưa trọn vẹn, đủ đầy. Vậy ngoài bán nước mắm, người dân sẽ có thêm nguồn thu nhập từ các dịch vụ du lịch.

Từ ý tưởng như vậy, anh đã triển khai, thực hiện các tour, phục vụ nhóm khách thích tìm hiểu văn hóa, du lịch theo chiều sâu. Thanh Phú cho chúng tôi xem lịch tiếp khách kín đến từng tháng, còn chưa kể đến những đoàn tự phát đến bất ngờ.

Mỗi tour của anh đều được sắp xếp phù hợp nhu cầu và lứa tuổi của khách. Nhưng mỗi người khi đến Nam Ô đều có thể cùng trải qua quá trình làm nước mắm, thưởng thức món ăn dân dã chấm với nước mắm nhĩ, tham quan bãi biển, các cụm di tích. Thậm chí, còn có thể cùng ngư dân kéo lưới, đón tàu cá cập bến và mua hải sản về chế biến, thưởng thức tại nhà…

Gần đây nhất, anh Phú đã mời một nhóm TikToker về tham gia một tour kéo dài từ 5 giờ sáng đến chiều, sống một ngày cùng người dân làng biển. Với những đoàn khách đông, cần nhiều hoạt động, anh Phú huy động sự tham gia của các hộ dân trong làng. Khách sau khi trải nghiệm sẽ mua nước mắm hoặc sản vật địa phương về làm quà và sử dụng trong gia đình.

“Mọi việc mới chỉ là bước đầu, tôi chưa mang lại được lợi nhuận nhiều cho người dân nơi đây, nhưng tôi vui hơn khi sau nhiều năm ý thức của người dân với nghề làm nước mắm truyền thống tăng lên rõ rệt, sản lượng cũng tăng. Những đứa trẻ trong làng đã tự hào giới thiệu sản phẩm của quê hương, của chính bàn tay ba mẹ, ông bà làm ra”, anh Phú tâm sự.

Tuy vậy, mọi hoạt động của anh Phú vẫn còn dạng tự phát, chưa kết hợp được với các công ty du lịch, lữ hành để có được những tour quy mô hơn. Một phần bởi không gian của làng còn nhỏ hẹp, gây trở ngại nhiều trong việc di chuyển. Một phần là người dân chưa chú trọng nhiều vào việc làm du lịch.

Anh Phú bộc bạch: “Tôi luôn mong muốn ngôi làng trở thành một bảo tàng sống, được “để ý” nhiều hơn từ các cấp, ngành đến du khách và cả từ chính người dân. Khi có được sự chung tay như vậy, làng nghề mới có thể phát triển, giữ gìn được văn hóa của làng”.

Trong thời đại công nghiệp hóa, việc một người yêu nghề, đưa khách phương xa đến chứng kiến quy trình sản xuất thủ công nghề làm nước mắm, giúp du khách được hòa mình vào cuộc sống của người dân làng chài, tìm hiểu về phong tục tập quán, tín ngưỡng... chỉ có những người của biển mới làm được và mới cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc.